Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách ở Long An: “chiếc phao” giải quyết khó khăn về vốn

ThS. Trần Trọng Triết 24/06/2024 - 09:50

Được “tiếp sức” từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Long An, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách,… có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

ho-tro-von-vay-cho-cac-doi-tuong..jpg
Tín dụng chính sách ở Long An: “chiếc phao” giải quyết khó khăn về vốn

Có được kết quả đó chính là nhờ việc triển khai có hiệu quả công tác tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương ban hành kế hoạch, chương trình hành động, các văn bản có liên quan triển khai thực hiện một cách kịp thời…

Đặc biệt, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An, sự quan tâm của các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 111 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất bổ sung thêm 50 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh để cho vay.

Theo báo cáo từ NHCSXH tỉnh Long An, tổng nguồn vốn tín dụng đến nay đạt 6.129 tỷ đồng, tăng 423 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,42% so với năm 2023. Nhờ NHCSXH tỉnh tích cực triển khai giải ngân các chương trình cho vay ngay từ đầu năm, kịp thời hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, với doanh số cho vay gần 1.140 tỷ đồng, dư nợ hiện nay đạt hơn 5.935 tỷ đồng, tăng 231 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 4,04% so với năm 2023. Chất lượng tín dụng được duy trì, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21% trên tổng dư nợ, giảm 0,13% so cùng kỳ năm 2023, cấp tỉnh và 15/15 đơn vị cấp huyện đạt loại tốt.

Đáng chú ý, nhờ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Long An được triển khai tích cực, người dân địa phương được tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần tạo việc làm, vươn lên làm ăn thoát nghèo bền vững. Vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách trong việc hỗ trợ hội viên nông dân, phụ nữ về sinh kế, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, hướng đến giảm nghèo bền vững,…

Trước đây, gia đình ông Trịnh Văn Tưởng ở ấp 4, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa ấp ủ dự định ứng dụng công nghệ cao vào trồng lúa để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, nâng giá trị nông sản nhưng chưa thực hiện được vì thiếu vốn.

Đang loay hoay tìm nguồn vốn, ông được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Thuận tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện. Từ đó, ông thay đổi tư duy, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đưa nông sản xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, không còn phụ thuộc vào “cò” lúa.

Ông Tưởng chia sẻ: “Khi tham gia HTX, tôi được hưởng nhiều quyền lợi như tiếp cận khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất, nhất là tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ vốn tín dụng chính sách cho vay 45 triệu đồng, tôi đầu tư máy móc, trang thiết bị ứng dụng vào sản xuất, nhất là có tiền mua vật tư nông nghiệp dự trữ. Vụ Hè Thu rồi, tôi có lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha. Đây là vụ Hè Thu đạt lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua”.

Còn ông Đoàn Duy ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng khổ qua, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông Duy cho biết: “Trồng lúa thu nhập bấp bênh nên tôi quyết định chuyển 3.000m2 đất sang trồng bầu, dưa leo. Thời gian đầu, dưa leo, bầu bán được giá nhưng sau đó, nhiều người trồng dẫn đến giá thấp, không có lợi nhuận nhiều. Vì vậy, tôi quyết định vay 70 triệu đồng từ NHCSXH để lên liếp, cải tạo đất, mua vật tư nông nghiệp, chuyển sang trồng khổ qua”.

Khổ qua trồng từ 40-45 ngày bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trên 30 ngày nếu chăm sóc tốt. Bình quân, ông Duy trồng 3 đợt khổ qua/năm, được HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh bao tiêu đầu ra với giá trên 11.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng/đợt, tăng gấp mấy lần so với trồng lúa. Lợi nhuận từ trồng khổ qua và trên 4,5ha lúa giúp gia đình ông Duy xây nhà khang trang, có điều kiện nuôi các con học hành, có việc làm ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa, ông Nguyễn Văn Bảy thông tin: “Thời gian qua, Hội quan tâm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho hội viên. Đến nay, nguồn vốn Phòng Giao dịch NHCSXH ủy thác qua Hội Nông dân huyện gần 129 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Nguồn vốn vay từ NHCSXH như “chiếc phao” giúp giải quyết được khó khăn về vốn, tiếp thêm nguồn lực để hội viên, nông dân vươn lên trong cuộc sống.

Được biết, thời gian qua hoạt động tín dụng chính sách đã được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh thực hiện có hiệu quả, chất lượng ủy thác được duy trì và ổn định. Đồng thời, có sự phối hợp quản lý chặt chẽ, chuyển tải nguồn vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo định kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách ở Long An: “chiếc phao” giải quyết khó khăn về vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO