Hoạt động ngân hàng

Tín dụng ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp

Q.L 19/09/2023 - 15:29

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" ngày 19/9.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua. Việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch COVID-19 và tình hình sản xuất của thế giới gặp nhiều thách thức.

z4706705052585-a458b8913bbd1014271cf598025377d320230919120516.jpg
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

Do đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Điển hình nhất là một số công cụ và mong muốn của doanh nghiệp là lãi suất.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt tạo dư địa cho các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay với lãi suất thấp.

Mặt khác, Phó Thống đốc nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, đưa ra thông điệp rằng, tín dụng ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.

Phó thống đốc Đào Minh tú khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy.

Các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đều đánh giá dư địa chính sách tiền tệ hiện nay còn rất ít, chính vì thế trong thời gian tới khó có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Bởi lẽ, lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì nhiều khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, cần phải tìm được điểm cân bằng của lãi suất và tỷ giá.

Phó Thống đốc khẳng định điều hành tỷ giá là một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua. Đến thời điểm hiện nay, tỷ giá chỉ mất giá so với đầu năm khoảng 1,8-2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9-10%, thậm chí như Nhật Bản đến 12%.

Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều, NHNN thấy rằng phải điều hành chính sách tiền tệ hết sức chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp vẫn là yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các TCTD trên cơ sở tiếp tục cắt giảm chi phí và chia sẻ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp

Bên cạnh đó, ngoài hạ lãi suất, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng khác như: giãn/hoãn đến hạn thêm ít nhất 1 năm; cắt bỏ chi phí, rào cản, thủ tục hành chính... Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, thể chế để tạo điều kiện, tạo hành lang thông thoáng để các ngân hàng thương mại dễ dàng cho vay và ứng dụng công nghệ trong thời gian qua…

Nhiều gói chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất; gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; gói 15.000 tỷ đồng dành riêng cho lĩnh vực xuất khẩu của lâm sản và thủy sản… Riêng với gói 15.000 tỷ đồng, qua thống kê trong thời gian thực hiện chưa được 2 tháng nhưng cũng đã giải ngân được hơn 6.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, NHNN cũng đã đã và đang tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị để kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; đồng thời đã làm việc với các hiệp hội và phối hợp với chính quyền địa phương để cùng xử lý những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau chia sẻ.

Trao đổi tại diễn đàn, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước phải hết sức cẩn trọng về các chính sách tài chính, về các vấn đề lãi suất, thị trường liên ngân hàng…

Theo ông Jochen Schmittmann, nếu lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trên toàn cầu, cần có chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế. Đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP của nền kinh tế chỉ đạt 3,7% trong nửa đầu năm 2023, nhưng thời gian tới, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, nhất là xuất khẩu và tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm xuống ảnh hưởng đến thị trường, trong đó có thị trường lao động.

“Vì vậy, cần có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó cần có các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, đại diện IMF khẳng định một lần nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO