Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Chương trình Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 18/9. Phiên họp nhằm xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đạt 15% số vốn
Tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thuý Ngần báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 trên 21 lĩnh vực.
Trong đó, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15), Báo cáo nêu rõ, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Trong đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả, nhiều chỉ số quan trọng đã tăng trưởng đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đã hoàn thành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công.
Tuy nhiên, tỷ lệ các quy hoạch hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Báo cáo thẩm tra tại phiên họp về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế đánh giá, sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình, cơ quan thẩm tra đánh giá. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.
Cụ thể, ước giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt hơn 92.800 tỷ đồng, đạt khoảng 31% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình. Trong đó, đến ngày 30/6/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình, đạt 19.090 tỷ đồng. Đến 30/6/2023, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP đạt hơn 139.000 tỷ đồng, cho trên 3.300 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 1.940 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã thực hiện giải ngân khoảng 3.679,3 tỷ đồng; các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 500 tỷ đồng đối với đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mặt khác, miễn, giảm các loại thuế, phí là 60.201 tỷ đồng; đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 114.523 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.
Về giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn NSNN tối đa 176.000 tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Đến tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 1113/QĐ-TTg ngày 21/9/2022 giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình; tháng 3/2023, ban hành Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 08/3/2023 giao 14.710,315 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình; tháng 7/2023, ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 giao nốt số vốn của Chương trình là 13.369,468 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để triển khai thực hiện.
Kế hoạch là vậy nhưng đến hết ngày 30/6/2023, Chương trình mới đạt khoảng 15% số vốn (khoảng 24.281 tỷ đồng) đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
"Đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tạo áp lực giải ngân lớn đến hết kế hoạch năm 2023. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, tổng cầu suy giảm, đề nghị Chính phủ triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, theo Ủy ban Kinh tế, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ NSNN để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 5/2023 thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 1,25% tổng nguồn lực, rất chậm so với yêu cầu đề ra.
Tập trung nới lỏng tín dụng
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15 cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Trong đó, xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.
Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, thao túng, "sân trước", "sân sau" trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đây là vấn đề Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên hồ sơ, đến nay, tình trạng sở hữu chéo đã cơ bản được khắc phục. Nhưng thực tế có tình trạng đứng tên hộ về sở hữu cổ phần. "Qua điều tra các vụ việc vừa qua mới phát hiện ra. Đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm", Thống đốc cho biết.
Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng là vấn đề trọng tâm. Dự thảo đã thiết kế một số giải pháp giảm hiện tượng sở hữu chéo như mở rộng phạm vi khái niệm có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng. “Tuy nhiên, nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu và cho rằng, quy định như dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch, mới hướng tới giảm tình trạng này.
Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng biện pháp tiếp tục xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, khẳng định thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc chủ yếu thuộc về thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành; tập trung nới lỏng tiếp cận tín dụng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh công tác lập và xây dựng quy hoạch;…