Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc

Minh Ngọc| 05/07/2022 11:22
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần tạo nền tảng quan trọng để các ngành, lĩnh vực lấy lại đà phục hồi và phát triển.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - người phát ngôn của Chính phủ cho biết tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, tổ chức chiều ngày 4/7 tại Hà Nội.

Chia sẻ với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội đề ra. Theo đó, tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần tạo nền tảng quan trọng để các ngành, lĩnh vực lấy lại đà phục hồi và phát triển.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về 5 nội dung: (1) tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; (2) tình hình triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; (3) tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (4) tình hình triển khai các dự án giao thông quốc gia; (5) các phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Về tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ đã lãnh đạo các bộ, ngành địa phương thống nhất nhận định trong 6 tháng đầu năm 2022, nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn chung toàn cầu do các hệ lụy và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, cùng với ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Song, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chung sức đồng lòng quyết tâm cao của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt và thống nhất kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đề ra. Bên cạnh những vấn đề thường xuyên, thì những vấn đề tồn đọng và mới phát sinh được tập trung xử lý hiệu quả, nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số đạt gần kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Ngọc

Về tăng trưởng GDP. Trong quý II/2022, GDP tăng 7,72% - tốc độ tăng cao nhất trong 11 năm qua, góp phần đưa GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 6,42%. Con số trên cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, có 44/63 các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng trên 6% đã thể hiện được tính đồng đều trong phục hồi của các địa phương.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách 6 tháng ước đạt 66,1%, dự toán tăng 18,8%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371 tỷ USD (tăng 16,4%), xuất siêu 6 tháng là 710 triệu USD, an ninh lương thực được bảo đảm, cung cấp đủ điện, xăng dầu... Trong 6 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt 8,85% so với cuối năm 2021.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh, nông nghiệp phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản 6 tháng đạt 28 tỷ USD. Trong quý II/2022, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 9,87%; thương mại, dịch vụ là điểm sáng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,5% so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng tăng 11,7%.

Khách quốc tế 6 tháng năm 2022 tăng gấp 6,8 lần cùng kỳ năm 2021. 

Vốn FDI thực hiện 6 tháng năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD (cao nhất trong 5 năm qua), tăng 8,9% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 117.000 doanh nghiệp, tăng 25,4% so cùng kỳ.

Với kết quả đạt được, nhiều tổ chức tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực về Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng trên nhiều lĩnh vực như: Quy mô nền kinh tế; xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đà phục hồi kinh tế; tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa; chỉ số "Chất lượng sống"; chỉ số công khai minh bạch ngân sách; nghiên cứu chất lượng cao…

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Dù tình hình kinh tế xã hội cho thấy những nét tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần vượt qua, trong đó nổi lên là dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường với các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực lạm phát tăng; việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trong đó có tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế...; đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn; quốc phòng, an ninh tiềm ẩn rủi ro…

Với những khó khăn, thách thức nêu ra, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải theo dõi chặt chẽ, chủ động có phương án ứng phó, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với diễn biến dịch COVID-19. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, tính liên kết. Bám sát và tôn trọng thực tiễn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao vai trò người đứng đầu. Phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó cần tập trung đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng (mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; mũi 2 cho trẻ từ 5-12 tuổi). Tăng cường thông tin truyền thông để nhân dân hiểu, nắm rõ tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt về các biến chủng mới và tích cực tham gia tiêm vắc-xin, nâng cao khả năng miễn dịch của bản thân và cộng đồng.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Về phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành bám sát, triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tập trung quyết liệt hơn nữa thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; trong đó tập trung sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm bảo đảm thị trường phát triển nhanh, bền vững. Quản lý chặt chẽ giá cả hàng hóa; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Chú trọng thu hút và khơi thông nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị quyết triển khai 5 dự án đường bộ cao tốc được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia (dự án đường cao tốc Bắc – Nam; dự án CHKQT Long Thành...); tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết về phát triển vùng; các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường thực hiện các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng như chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ với các đối tác, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo và quản lý, xây dựng đội ngũ công chức có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ.

Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin truyền thông về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, tạo đồng thuận xã hội; đấu tranh phản bác sự chống phá, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; ngăn chặn có hiệu quả, đẩy lùi thông tin xấu, độc, sai sự thật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO