Doanh nghiệp được giảm các chi phí liên quan, trong đó có chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi suất có điều kiện để giảm giá thành, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và cạnh tranh tốt trên thị trường; từ đó vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng.
Có thể nói, về mặt chính sách, thời gian qua, Ngân hàng Trung tương (NHTW) đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách rất kịp thời và toàn diện, từ việc giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; hỗ trợ và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đến tác động trực tiếp đối với lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, cũng như các chương trình tín dụng ưu đãi… nhằm tác động chung đến lãi suất thị trường theo xu hướng giảm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, NHTW còn sử dụng kết hợp các công cụ điều hành chính sách, với các giải pháp về cải cách hành chính, về mở rộng và phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng tốt nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, với chi phí thấp nhất, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả.
Ở góc độ triển khai chính sách, góc độ thực thi chính sách cần vai trò trách nhiệm và sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị, tổ chức có liên quan. Trước hết là hành động, sự tuân thủ và trách nhiệm của mỗi TCTD trong thực hiện cơ chế chính sách của NHTW. Yêu cầu đó, xuất phát từ chính sự cần thiết và ý nghĩa mang lại của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố thời điểm và sự quyết tâm, quyết liệt trong thực thi chính sách sẽ mang lại sự phục hồi nhanh hơn, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Doanh nghiệp được giảm các chi phí liên quan, trong đó có chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi suất có điều kiện để giảm giá thành, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và cạnh tranh tốt trên thị trường; từ đó vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền, duy trì và tăng trưởng.
Bước đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực từ một số ngành, doanh nghiệp…. Điều đó đã và đang phản ánh trong sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp tại thời điểm này, sẽ mang lại hiệu ứng tích cực và tác động ngay đến quá trình phục hồi và tăng trưởng.
Những nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế, những nhóm ngành là lợi thế của nền kinh tế đất nước với sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng, công nghiệp chế biến; du lịch dịch vụ… đã và đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi, cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ để tăng trưởng tốt hơn, duy trì động lực tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác.
Từ ý nghĩa nêu trên, nhằm tạo hiệu ứng nhanh và mang lại hiệu quả, đạt được mục tiêu chính sách và hoàn thành nhiệm vụ năm, các TCTD nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong những tháng còn lại của năm. Cụ thể là:
Thực hiện nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về lãi suất, phí nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; tăng cường tiết kiệm chi phí hoạt động, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tham gia tích cực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đơn cử như hiện nay, NHNN TP. Hồ Chí Minh cùng với các sở, ngành, quận/huyện và Thành phố Thủ Đức đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các TCTD cần quan tâm, tích cực tham gia Chương trình và đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng đã đăng ký với NHNN thành phố. Tăng cường công tác đối thoại, nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt các chương trình tín dụng của NHNN, trong đó quan tâm thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN; chương trình gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Các TCTD phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trong đó, tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, gia tăng niềm tin vào hệ thống ngân hàng.