(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), dưới tác động của đại dịch COVID-19 cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang hình thành các xu hướng định hình ngân hàng bán lẻ trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 25/3/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 (Vietnam Retail Banking Forum).
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đến nay phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng. Đặc biệt, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 tái bùng phát trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Việc một số địa phương trong đó có TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, song đây cũng là cơ hội thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới.
Bên cạnh việc tích cực thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số: Xây dựng mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng trải nghiệm khách hàng; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích như mobile banking, internet banking, QR code, sử dụng công nghệ eKYC… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc, hạn chế tiếp xúc.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu tại diễn đàn ngày 25/3/2022. Ảnh: Ngô Hải |
Các sản phẩm tiền gửi đa dạng, linh hoạt hơn, qua đó có thể huy động nhanh và nhiều nhất nguồn vốn nhàn rỗi nhỏ lẻ từ khách hàng cá nhân. Các hình thức cho vay cá nhân (cho vay tiêu dùng, nhà ở, mua ô tô, du học, trả góp…) ngày càng phát triển với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm,… cũng được các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình, chính sách và khuyến mãi để thu hút người dùng.
Dẫn các số liệu thống kê, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 2020. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao (qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với 2020; tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12% …
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, nhờ đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn (lũy kế 2 năm hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số lượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ).
“Sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ, nó cũng là chìa khóa để ngành Ngân hàng thực hiện được sứ mệnh giữ cho huyết mạch của nền kinh tế thông suốt trong mọi thời điểm, kể cả thời kỳ cao điểm của đại dịch”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định và cho rằng kết quả trên còn đến từ sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các ngân hàng, công ty tài chính, công ty fintech với phạm vi rộng hơn, góp phần xây dựng nên hệ sinh thái số, qua đó giúp các bên tận dụng được thế mạnh của nhau, đồng thời giúp rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí trong quá trình chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết thêm, đại dịch COVID-19 tuy đã chuyển sang giai đoạn mới song còn diễn biến phức tạp và vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới với nhiều biến chủng mới, vì vậy trạng thái “bình thường mới” sẽ luôn thay đổi. Tác động của đại dịch cùng với cuộc CMCN 4.0 đang hình thành các xu hướng định hình ngân hàng bán lẻ trong khu vực và trên thế giới.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới, với tỷ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, thì tiềm năng thị trường cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là rất lớn. Các ngân hàng cần nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế số, chuyển đổi mô hình kinh doanh lấy bán lẻ làm trọng tâm, thích ứng với “bình thường mới”; đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, phù hợp với thu nhập và đời sống của người Việt Nam.
Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam năm 2021 (Vietnam Retail Banking Forum) sẽ tập trung vào việc đưa ra kiến nghị sửa đổi hành lang pháp lý cho việc phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam; bàn thảo về mô hình, kinh nghiệm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong và sau dịch COVID -19 của các quốc gia phát triển; phân tích các thành tựu phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam; giới thiệu các giải pháp công nghệ nhằm giúp các ngân hàng xử lý nghiệp vụ một cách nhanh chóng, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên nền tảng công nghệ sẵn có của ngân hàng. Với chủ đề HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG BÁN LẺ “BÌNH THƯỜNG MỚI” – THÍCH ỨNG, NHANH GỌN, HIỆU QUẢ, TẬN DỤNG LỢI THẾ SỐ, diễn đàn bao gồm 1 phiên Báo cáo chính và 2 phiên Chuyên đề diễn ra song song. Phiên Báo cáo chính, diễn ra trong buổi sáng bàn về hành lang pháp lý, mô hình và giải pháp phát triển ngân hàng bán lẻ giai đoạn “bình thường mới”. Phiên Chuyên đề thứ nhất, trong buổi chiều tập trung giới thiệu các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, sáng tạo, hiệu quả. Phiên Chuyên đề thứ hai, cũng trong buổi chiều, sẽ giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp tinh giảm các quy trình nội bộ, mở rộng kết nối, kiến tạo các sản phẩm ngân hàng số. Diễn đàn có sự tham dự và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều CEO, lãnh đạo, chuyên gia tài chính, ngân hàng công nghệ, Fintech trong nước và quốc tế. Song song với chương trình Hội thảo là chương trình Triển lãm Ngân hàng Bán lẻ với nội dung cập nhật các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất phục vụ phát triển ngân hàng số như bảo mật, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp giúp phân tích nhu cầu khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Trong chương trình triển lãm năm nay, có nhiều đơn vị công nghệ, ngân hàng, tổ chức tín dụng như Vietcombank, OCB, SHB, VIB, Moca… tham gia triển lãm, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới lạ, sáng tạo của mình. Như thông lệ, sự kiện Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam năm nay sẽ được kết hợp tổ chức với sự kiện lễ công bố kết quả giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu. Đây là năm thứ 10 liên tiếp, giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu được IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức. Sự kiện sẽ diễn ra vào 18h ngày 25/3/2022, tại Khách sạn Intercontinental Sài Gòn. |