(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Tọa đàm trực tuyến "Quản tín dụng bất động sản thế nào cho đúng, trúng?" do báo điện tử Dân trí tổ chức ngày 16/6, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đã chia sẻ góc nhìn đa chiều, toàn diện về vấn đề trên để đưa ra các giải pháp đảm bảo cho dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản đúng mục đích, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ rủi ro.
TS. Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại tọa đàm |
Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, bất động sản là ngành nghề hết sức quan trọng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực phụ trợ, vì vậy việc đầu tư cho lĩnh vực bất động sản luôn được quan tâm. Trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quan tâm. Đến nay, NHNN chưa có văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản. Dòng tiền tín dụng vẫn đầu tư cho bất động sản thời gian vừa qua, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản không cao bằng so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Điển hình, năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14%, còn của bất động sản là 12%.
"Thị trường đang "nóng" đến mức cần phải siết hay chưa? Về quan điểm của tôi, không nên đặt vấn đề là siết tín dụng bất động sản mà phải đặt vấn đề là chỉ đạo của Chính phủ, NHNN rằng lĩnh vực bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giá bất động sản biến động rất lớn, quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản hết sức rủi ro", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Theo quan điểm của NHNN, dòng tiền ngắn hạn đầu tư trung dài hạn tới đây cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Dù vẫn chỉ đạo các TCTD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, NHNN cũng yêu cầu các TCTD xem xét chọn lọc đối tượng phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống, có chính sách phù hợp và ưu tiên đầu tư vào sản xuất.
Hiện nay, Chính phủ, NHNN nhìn nhận bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, giá bất động sản biến động lớn. Ví dụ, trước đây đất giá 100 triệu đồng/m2 và ngân hàng cho vay 50% giá trị tài sản đảm bảo, tức cho vay 50 triệu đồng/m2, nhưng giá thời điểm này có thể lên đến 300 triệu đồng/m2. Như vậy, vẫn tài sản đấy mà ngân hàng cho vay tới 150 triệu đồng/m2.
"Nếu không phải là giá trị thật, khi có sự biến động khiến giá bất động sản giảm xuống thì rủi ro rất lớn. Vì vậy, không đặt vấn đề siết tín dụng bất động sản nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, khi cho vay phải xem xét hệ số rủi ro, liều lượng đầu tư vào bất động sản sao cho hợp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, thực hiện chủ trương của NHNN, để nhà đầu tư và kinh doanh bất động sản hiểu được: "tín dụng ngân hàng chỉ là bổ sung vốn lưu động, còn muốn đầu tư và phát triển thì các doanh nghiệp đó cần phải xem xét mở rộng huy động vốn thông qua trái phiếu, chứng khoán, sử dụng thị trường vốn".
Kiểm soát để dòng vốn vào bất động sản hiệu quả
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc khó tiếp cận vốn vay bất động sản, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có bao nhiêu dự án được phê duyệt nhưng vẫn chưa triển khai, bao nhiêu dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý rồi.
“Với việc doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, tôi hoàn toàn chia sẻ. Hoặc đối tượng thực sự vay nhà để ở mà tiếp cận vốn khó khăn thì đúng là phải chia sẻ. Còn lại việc vay vốn để đầu cơ thì rõ ràng cần phải kiểm soát”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, ngành ngân hàng không bao giờ mong muốn giá bất động sản có những chao đảo và dẫn tới hệ quả giá sụt giảm xuống dưới giá trị bởi lẽ, 70% tài sản đảm bảo mà các tổ chức tín dụng đang nắm giữ của doanh nghiệp là bất động sản.
“Nếu bất động sản đi xuống, tức khách hàng khó khăn không trả được nợ, thì phát mại tài sản bảo đảm không đảm bảo. Do đó, cần phải kiểm soát làm sao cho thị trường bất động sản phát triển bền vững”, Tổng Thư ký VNBA chia sẻ và cho biết thêm: "Cần kiểm soát làm sao để dòng vốn vào bất động sản phát huy hiệu quả".
Trong bối cảnh hiện nay, gần như các tỉnh, thành phố phê duyệt các dự án rất hạn chế. Nếu như không có động thái kiểm soát tốt, không cẩn thận, hoạt động đầu cơ sẽ đẩy giá bất động sản lên mức không tưởng và cuối cùng người dân sẽ chịu ảnh hưởng.
Trước thực trạng đó, NHNN cũng đã đưa ra chính sách để đảm bảo an toàn đầu tư vốn tín dụng phát huy được hiệu quả. TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, dù chưa xác định được đối tượng đầu cơ là như thế nào nhưng NHNN đang điều hành, kiểm soát rất chặt chẽ đối tượng kinh doanh bất động sản.
Còn về tiêu chí quản lý tín dụng bất động sản sao cho "đúng" và "trúng", đại diện VNBA cho rằng, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục, đảm bảo đủ vốn, có kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả… Doanh nghiệp phải xác định vốn ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, không phải cứ khó khăn là vay tín dụng.