Kết thúc năm 2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 3.943 nghìn tỷ đồng, tăng 11,34% so với cuối năm 2023 (số liệu chính thức).
Ở góc độ quản lý, phân tích đánh giá tổng quan kết quả hoạt động tín dụng trên địa bàn năm 2024, phản ánh trên 5 phương diện chính.
Tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Nếu so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 5 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng năm 2024 thấp hơn năm 2022 và cao hơn các năm 2023 và năm 2020 (tín dụng năm 2023 tăng 9,8%; năm 2022 tăng 13,8%; năm 2021 tăng 11,9% và năm 2020 tăng 10,4%).
So với cả nước tín dụng trên địa bàn chiếm 25,2% tổng dư nợ tín dụng cả nước và chiếm khoảng trên 2% so với GRDP của thành phố. Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố. Trong đó, cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chiếm khoảng 65- 67%, dư nợ còn lại là tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản.
Hoạt động tín dụng năm 2024 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố thông qua thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi và chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Trong đó, giải ngân và ký kết cho vay vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng đạt: 691.000 tỷ đồng, cho 198.166 lượt khách hàng, tăng 9% tổng số tiền đã thực hiện năm 2023; giải ngân gói lâm sản, thủy sản đạt 3.291 tỷ đồng cho 2.079 khách hàng vay vốn (với lãi suất thấp hơn 1-2% so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn); Cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt 33.420 tỷ đồng cho 43.842 khách hàng…. Thực hiện tốt chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực (gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Qua đó đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn về vốn, về lãi suất; về cơ cấu lại nợ; về tăng hạn mức tín dụng… giúp khách hàng giảm chi phí vay vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng trưởng và phát triển.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố năm 2024, thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế phát triển. Trong đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu tăng trưởng. Kết thúc năm 2024, tổng dư nợ cho vay ngoại tệ trên địa bàn đạt 158 nghìn tỷ đồng, tăng 4,24% so với cuối năm 2023.
Tín dụng ngoại tệ và tín dụng VND lãi suất thấp, cùng với các dịch vụ ngoại hối chất lượng; dịch vụ thanh toán hiệu quả đã góp phần hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tăng trưởng tích cực trong thời gian qua và trong năm 2024, phát huy vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của hoạt động này, với những kết quả ấn tượng về xuất khẩu các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp lâm ngư nghiệp trong năm 2024.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục phản ánh quá trình khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, kiểm soát nợ xấu của các TCTD trên địa bàn và phù hợp với cơ cấu nợ giữa ngắn hạn, trung dài hạn; phù hợp với hoạt động huy động vốn. Trong đó tăng trưởng huy động vốn đạt 15,28%, cao hơn tăng trưởng tín dụng, đây tiếp tục sẽ là yếu tố thuận lợi để các TCTD trên địa bàn mở rộng và tăng trưởng tín dụng, cũng như thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHTW năm 2025, với yêu cầu cao hơn về nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.