Các cổ phiếu lớn có động thái "trả điểm" sau phiên đáo hạn phái sinh tháng 11. Cùng với đó là thông tin gây hoang mang tại nhóm Vingroup khiến VN-Index giảm hơn 2%. Dù vậy, nhiều mã bất động sản đã được dòng tiền tích cực hoạt động trading.
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á nối tiếp những diễn biến trái chiều ở các phiên trước. Phiên hôm nay (ngày 17/11), Chỉ số NIKKEi 225 (+0,48%), SHMCP (+0,11%) tăng điểm, trong khi HSI (-2,16%), KOSPI (-0,74%), KLCI (-0,35%), STI (-0,37%) lại điều chỉnh giảm.
Còn với thị trường Việt Nam, sau phiên đáo hạn phái sinh, phiên hôm nay, chỉ số VN-Index xuất hiện diễn biến "trả điểm quá tay" và tuột khỏi MA200 để về gần ngưỡng 1.100 điểm.
Chất xúc tác
Liên tục các phiên bơm ròng đang xuất hiện trên thị trường mở. Phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không chào thầu tín phiếu và có 4.250 tỷ đồng đáo hạn. Qua đó, NHNN bơm ròng 4.250 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 98.949,8 tỷ đồng.
Các biến số tỷ giá, lãi suất đều tiếp tục có được sự thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Tỷ giá trung tâm được công bố sáng nay là 23.972 VND/USD, trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm ở một loạt kỳ hạn. Tại kỳ hạn qua đêm, lãi suất giảm 5 điểm cơ bản xuống 0,2% còn kỳ hạn 1 tháng giảm tới 10 điểm cơ bản xuống 1,22%.
Ngoài ra, sau phiên đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư cũng được "cởi trói" để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch. Khớp lệnh của HOSE có ngay sự nhảy vọt lên trên 22.000 tỷ đồng, vượt xa mức bình quân 20 phiên.
Dòng tiền nội chi phối tới 95% tổng giao dịch của HOSE, trong khi khối ngoại tỏ ra lép vế hơn. Dù vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 750 tỷ đồng cũng là đáng chú ý. Đây là phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp của khối ngoại nhưng là phiên bán ròng mạnh nhất trong vòng 7 phiên trở lại đây.
Vận động thị trường
Dù VHM là cổ phiếu duy nhất bị khối ngoại bán ròng hơn 100 tỷ đồng nhưng cả nhóm Vingroup đều biến động mạnh trong phiên giao dịch: VHM (-5,3%), VRE (-4,4%), VIC (-6,4%) giảm trên 4%.
Nguyên nhân sâu xa hơn đến từ việc xuất hiện thông tin một hãng luật tại Mỹ đang muốn điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán liên bang Hoa Kỳ liên quan đến VinFast Auto Ltd. Dù chỉ là thông tin được công bố một chiều và mang tính chất dân sự nhưng tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng có sự dao động, được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác là hoạt động "trả điểm" của các cổ phiếu lớn sau phiên đáo hạn phái sinh cũng tạo động lực cho các mã lớn giảm. Ngoài nhóm Vingroup, SHB (-3,4%), VPB (-3%), MSN (-2,9%), VCB (-2,7%) cũng giảm giá khá mạnh trong đó VCB đóng vai trò chủ chốt trong nhịp đảo chiều phiên ATC hôm qua.
VN30 đã giảm tới 3,61%, kéo theo VN-Index giảm 2,83% xuống 1.093,72 điểm. Qua đó, nhóm cổ phiếu lớn đã buộc VN-Index phải đóng cửa dưới đường MA200, đồng thời đẩy thị trường phải chứng minh được sức mạnh trong tuần sau.
Độ rộng của HOSE đạt 19% mã tăng so với 71% mã giảm. Tuy nhiên, chỉ có một số mã như GEX, DXG, NVL, PVD, PVT, FTS, BSI giảm trên 3%.
Thực tế, biên độ của các cổ phiếu là hẹp hơn bởi nhà đầu tư có sự ưu tiên cho hoạt động lướt sóng trong phiên. Điều này được thể hiện rõ nhất ở nhóm cổ phiếu bất động sản khi có khá nhiều nhịp rung giật. Các mã DIG (-1,9%), TCH (0%), SCR (+0,71%), KHG (+0,7%) đều xuất hiện tình trạng này.
Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy thanh khoản của HOSE có sự đột biến, đạt 24.335 tỷ đồng, tăng tới gần 65% so với phiên hôm qua.
Cả HNX và UPCoM cũng có thể ghi nhận diễn biến tương tự khi tổng giá trị giao dịch đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 1,32% và 1,27%.