(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với các yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn được duy trì, tiếp nối đà sôi động của năm 2019, dự báo nguồn cung và nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục lớn trong năm 2020.

Thị trường TPDN đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, tập trung, phân phối vốn cho nền kinh tế, do vậy, xu hướng mở rộng là tất yếu và phù hợp để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính. Trong năm 2020, thị trường TPDN được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt ở nhóm bất động sản (BĐS) và tổ chức tín dụng (TCTD).

Trái phiếu của các TCTD tiếp tục dẫn dắt thị trường

Thống kê vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đưa ra trong Bản tin kinh tế - tài chính tuần từ ngày 17 - 21/2 cho thấy, thị trường TPDN liên tục tăng trưởng qua các năm, đặc biệt trong năm 2019, thị trường TPDN tiếp tục ghi nhận sự phát triển sôi động với khối lượng phát hành và quy mô thị trường tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, theo dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ từ HNX, tổng lượng TPDN phát hành năm 2019 đạt khoảng 276 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 7,9% GDP năm 2018 lên 9,9% GDP năm 2019, tổng lượng TPDN lưu hành đạt gần 600 nghìn tỷ đồng.

Phân chia theo tổ chức phát hành, các TCTD dẫn đầu lượng phát hành với 109 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng lớn nhất 40% tổng giá trị phát hành), nhóm BĐS phát hành 61 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai với tỷ trọng 22%. Trong nhóm các TCTD, kỳ hạn phát hành chủ yếu là từ 2 năm đến 3 năm để tăng tỷ trọng vốn trung dài hạn. Nổi bật đó là VIB phát hành 14 nghìn tỷ đồng, VPBank phát hành 11 nghìn tỷ đồng, ACB phát hành 10,5 nghìn tỷ đồng. Lãi suất phát hành phổ biến ở mức 6 – 7%/năm.

Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, các trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên (chủ yếu để tăng vốn cấp II, cải thiện chỉ số CAR theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN) đạt mức 25 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng khối lượng phát hành. Trong đó, riêng BIDV phát hành 15 nghìn tỷ đồng. Trong nhóm Bất động sản, Tập đoàn Sovico dẫn đầu lượng phát hành với 7 nghìn tỷ đồng, lãi suất 11%, kỳ hạn 3 năm; TNR đứng thứ hai với 4 nghìn tỷ đồng, lãi suất 10,2%, kỳ hạn 2,6 năm. Tính chung năm 2019, kỳ hạn bình quân của nhóm BĐS là 2,6 năm - thấp nhất thị trường và lãi suất bình quân là 10,3%/năm – cao nhất thị trường (đã loại trừ lô phát hành của Công ty Hồng Hoàng có lãi suất cao đột biến 20%/năm). Trái lại, nhóm TCTD có lãi suất bình quân thấp nhất thị trường là 6,9%/năm, kỳ hạn bình quân 3,7 năm.

Yếu tố hỗ trợ thị trường tiếp tục được duy trì

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, tiếp nối đà sôi động của năm 2019, dự báo nguồn cung và nhu cầu TPDN tiếp tục lớn trong năm 2020.

Về phía cung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng thắt chặt hơn các điều kiện về tín dụng, nhất là tín dụng vào lĩnh vực BĐS (thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro để tính chỉ số CAR tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN), sẽ tiếp tục tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh tín dụng truyền thống sang kênh phát hành TPDN. Trái phiếu BĐS thời gian tới sẽ sôi động vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao. Đây cũng được xem là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp BĐS, khi hệ số rủi ro cho vay BĐS được quy định ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn. Đối với nhóm các TCTD, việc ban hành Thông tư 41 với quy định về tỷ lệ an toàn vốn áp dụng theo Basel II tiếp tục được coi là động lực lớn nhất để thúc đẩy sự bứt phá mạnh mẽ về khối lượng phát hành của nhóm này. Quan trọng hơn, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN, thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP và có hiệu lực từ 1/2/2019, đã tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN.

Về phía cầu, việc thông tin phát hành trái phiếu minh bạch hơn, lãi suất phát hành trái phiếu cao và sự tham gia tích cực của các trung gian phân phối là các ngân hàng, CTCK, đã khiến TPDN trở nên hấp dẫn hơn trong mắt NĐT. Quan trọng hơn, do quy mô thị trường TPDN/GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực lẫn so với tổng thể thị trường tài chính, vì vậy, dư địa mở rộng là rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế trong nước ổn định, NHNN chủ trương siết dần tín dụng, kỳ vọng TPDN sẽ là kênh cung vốn để đầu tư phát triển cho nền kinh tế.

Các chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho rằng, những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và các thành viên thị trường là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường TPDN phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai. Hiện tại, Bộ Tài chính đang công khai lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 163/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ ký ban hành, cho thấy các vấn đề đang tồn tại của thị trường đã được nhận diện và đang được đẩy mạnh xử lý. Ngoài ra, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang trình Quốc hội quy định doanh nghiệp phát hành TPDN ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm và giao Chính phủ quy định về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng. Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường; đồng thời, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị cho việc thành lập và hoạt động.

Về phía các thành viên thị trường, Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với một số thành viên xúc tiến việc trao đổi với các đối tác xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới như Moody’s Investors Service (Moody’s), Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) và Fitch, để thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho thị trường TPDN Việt Nam. "Điều này sẽ giúp thị trường khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, tạo đà cho thị trường TPDN phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp", các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam nhấn mạnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục sôi động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO