TS. Nguyễn Quốc Hùng: Công nghệ số sẽ thúc đẩy ngân hàng bán lẻ phát triển

P.V| 23/12/2021 11:46
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là động lực phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ - đây là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng, giúp các ngân hàng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngày 23/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển dịch vụ Ngân hàng cá nhân thúc đẩy hiệu quả hoạt động Ngân hàng bán lẻ”. Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi sự kiện “Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam”, do hai bên phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là động lực phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ - đây là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng, giúp các ngân hàng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn lực để phục vụ phát triển kinh tế.

Minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, đại dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay với diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp, song nhờ chủ động ứng dụng công nghệ các TCTD, công ty tài chính, các trung gian thanh toán đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại như: mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code…. Đặc biệt sau khi được NHNN cho phép, các ngân hàng đã sử dụng công nghệ để định danh khách hàng (EKYC), các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Với sự chủ động của các TCTD trong việc ứng dụng và cho ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ cao, đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 50 triệu người (gần 50% dân số). Trong đó, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, như: internet banking, mobile banking có tốc độ tăng trưởng vượt bậc chiếm hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80% tổng số giao dịch; Tốc độ tăng trưởng thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với năm 2020.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, phát triển nhiều loại hình dịch vụ bán lẻ mới, đa tiện ích và các hình thức huy động vốn đa dạng, linh hoạt, các TCTD, công ty tài chính chú trọng mở rộng cho vay cá nhân dưới hình thức: cho vay mua nhà, mua xe ô tô, du học, chứng minh tài chính... đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân với thủ tục, quy trình xét duyệt đơn giản hơn. Do vậy, dư nợ cho vay bán lẻ của các TCTD ngày càng cao và chiếm tỷ lệ khoảng 40-50% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đối với ngân hàng lớn và trung bình), cá biệt có TCTD tỷ lệ cho vay cá nhân đã chiếm 60-80% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, các TCTD, các công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, đến cuối năm 2021 dư nợ ước đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2020.

Thực tế cho thấy phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân hiện đại trên nền tảng công nghệ số sẽ thúc đẩy thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển hiệu quả hơn, trên cơ sở đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các NHTM Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng hiện đại vẫn còn ở mức khiêm tốn, do mức thu nhập của phần lớn dân cư còn thấp, thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn. Vì vậy, khả năng phát triển và mở rộng dịch vụ ngân hàng bán lẻ còn hạn chế.

Thứ hai, kênh phân phối chưa thực sự đa dạng, phương thức giao dịch và cung cấp các dịch vụ chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp tại quầy, các hình thức giao dịch từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tuy đã phát triển nhưng chưa phổ biến.

Thứ ba, thông tin dữ liệu về khách hàng cá nhân còn thiếu; cơ chế phối hợp, hợp tác, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp… chưa có quy định rõ ràng, nên các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin khách hàng để phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân.

Thứ tư, môi trường pháp lý về hoạt động ngân hàng chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, trong khi với tốc độ phát triển dịch vụ như hiện nay, nhiều quy định pháp lý về ngân hàng, nhất là hoạt động ngân hàng điện tử đã tỏ ra bất cập và không bao hàm hết các nghiệp vụ, gây khó khăn cho các NHTM khi muốn triển khai dịch vụ mới, đặc biệt là các hoạt động ngân hàng điện tử.

Thứ năm, mở rộng hệ sinh thái số sẽ mang lại lợi ích tối ưu cho khách hàng, tuy nhiên, hiện nay hạ tầng thanh toán còn chưa thống nhất để tích hợp, kết nối, nhiều hệ sinh thái chưa có sự liên thông.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và NHNN đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây sẽ là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng cá nhân.

Để nắm bắt cơ hội, TS. Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị các ngân hàng cần nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh, trong đó đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân thích ứng với điều kiện “bình thường mới”; đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng cá nhân các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Công nghệ số sẽ thúc đẩy ngân hàng bán lẻ phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO