Tỷ giá được dự báo tiếp tục ổn định trong năm 2022

Ngô Hải| 18/01/2022 14:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, giới chuyên môn dự báo, đồng VND vẫn sẽ có diễn biến ổn định và biến động trong biên độ +/- 2% trong năm 2022.

 Hình minh họa - Nguồn: Internet

Nền tảng vững vàng trong khó khăn

Nhìn lại diễn biến tỷ giá USD/VND năm 2021, giới chuyên môn đều có chung nhận định, dù gặp nhiều thách thức nhưng tỷ giá vẫn duy trì diễn biến ổn định.

Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm tỷ giá USD/VND mua giao ngay tổng cộng 3 lần sau khi Mỹ và Việt Nam tiếp tục đạt được tiếng nói chung và phía Việt Nam cam kết không cố tình can thiệp vào thị trường để làm giảm giá VND. Bên cạnh đó, nguồn cung USD vẫn duy trì ở mức dồi dào nhờ kiều hối, vốn FDI và thặng dư thương mại đã quay trở lại từ tháng 9.

Cụ thể hơn, dù chịu ít nhiều ảnh hưởng trong thời gian giãn cách khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm nhưng được bù lại bởi mức tăng của giá bán, theo đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt đạt 336.25 tỷ USD (+19% YoY), với cán cân thương mại đã thặng dư trở lại. Còn về kiều hối, số liệu thống kê chính thức từ NHNN cho biết, dù chịu tác động bởi tình hình dịch COVID-19 nhưng kiều hối về Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 12,5 tỷ USD.

Trở lại với diễn biến trên thị trường ngoại hối, thống kê được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra cho thấy, sau 3 lần giảm giá mua vào đồng USD của NHNN đã giúp cho tỷ giá giao dịch thực tế tại NHTM đã giảm tới 1,14% so với cuối năm 2020, tương đương với VND đã lên giá 1,14% so với đồng USD. Các chuyên gia của BVSC cho rằng, đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh chỉ số DXY trên thị trường thế giới đã tăng mạnh, 7% trong năm 2021.

Còn trên thị trường liên ngân hàng, Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, tại ngày 31/12/2021 tỷ giá liên ngân hàng USD/VND đạt 22.826 VND/USD giảm 1,18% so với đầu năm.

Còn tỷ giá chợ đen tăng do chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế nới rộng khiến nhu cầu nhập lậu vàng tăng Tỷ giá chợ đen có xu hướng tăng, do chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế đã nới rộng khoảng cách, khiến nhu cầu nhập lậu vàng tăng cao (tại ngày 31/12 chênh lệch ở mức 11 triệu đồng/lượng. Tính cho cả quý 4, tỷ giá chợ đen USD/VND tăng 1% từ 23.270 VND/USD lên 23.503 VND/USD.

Trong năm 2021, tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER) và tỷ giá hiệu quả thực (REER) của VND có diễn biến tăng. Thống kê từ KBSV tại ngày 31/12/2021 cho thấy, NEER tăng 4,89% YTD và REER tăng 3% YTD (tương đồng với việc VND tăng giá so với rổ tiền tệ các đối tác thương mại), do nguồn ngoại tệ dồi dào khiến VND tăng giá so với USD (vốn cũng là đồng tiền tăng mạnh từ đầu năm khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt, lạm phát cao thúc đẩy Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ). Dù vậy, nếu xét tổng hòa cả NEER và REER của VND kể từ khi Việt Nam áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm theo rổ tiền tệ (tháng 8/2014) đều vận động ở trong biên độ hợp lý và hiện tại chưa phải là yếu tố gây áp lực phá giá VND.

Để có được sự ổn định của tỷ giá trong năm qua, vai trò điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, với nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và NHNN, tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ và quyết định không có hành động trừng phạt thương mại với Việt Nam. Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao việc NHNN đã thực hiện các thỏa thuận một cách nghiêm túc và minh bạch, tiếp tục duy trì được sự ổn định của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hết sức khó khăn thời gian qua; đồng thời, thể hiện sự hài lòng với những bước tiến mà Việt Nam đã đạt được. Đây là kết quả có ý nghĩa rất tích cực, không chỉ giúp Việt Nam tránh được thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần tiếp tục xây dựng niềm tin và môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. ​

VND sẽ có diễn biến ổn định và biến động trong biên độ +/- 2%

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, khi đánh giá về tỷ giá USD/VND, các chuyên gia của KBSV dự báo, nguồn cung USD dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục, trong khi dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

Các chuyên gia của KBSV kỳ vọng, năm 2022, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong khi giá bán ổn định hơn. Lĩnh vực sản xuất dần phục hồi hậu giãn cách, và nhu cầu tiêu thụ của người dân các nước gia tăng dịp cuối năm, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn. Ngoài ra, dòng vốn FDI giải ngân được dự báo sẽ quay trở lại, khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, cũng góp phần giúp nguồn cung USD dồi dào hơn.

Dự báo về tỷ giá trong năm 2022, các chuyên gia của KBSV nhận định: "diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong khoảng 0,5 - 1% trong năm 2022".

Bổ sung thêm nhận định về nguồn cung ngoại tệ trong năm 2022, báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, dự trữ ngoại hối vẫn sẽ duy trì trạng thái dồi dào dựa trện 3 yếu tố sau: thứ nhất, tình trạng xuất siêu dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang ủng hộ xu hướng xuất siêu của Việt Nam. Theo tính toán BSC, con số này ước tính đạt 5,2 - 6,9 tỷ USD; thứ hai, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4% và đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2022; thứ ba, NHNN duy trì chính sách thu mua ngoại tệ nhằm nâng cao dự trữ ngoại hối.

Từ các phân tích trên, các chuyên gia của BSC dự báo, tỷ giá liên ngân hàng trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 23.100 - 23.200 VND/USD (tăng 0,7% - 1,2% so với năm 2021).

Nhìn nhận về rủi ro trong năm 2022, các chuyên gia của BVSC cho rằng, rủi ro của đồng VND đến từ việc FED thu hẹp lại gói nới lỏng định lượng từ những tháng cuối cùng của năm 2021 và nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2022. Diễn biến này có thể sẽ giúp đồng Chỉ số đồng Đô la Mỹ (DXY) hồi phục mạnh hơn trong thời gian tới, qua đó khiến đồng VND mất giá trở lại.

Trong khi đó, mặc dù Mỹ không cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ nhưng vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi. Do đó, NHNN có thể sẽ vẫn phải sử dụng các biện pháp để giữ đồng VND không bị mất giá quá lớn. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, BVSC dự báo: "đồng VND vẫn sẽ có diễn biến ổn định và biến động trong biên độ +/- 2% trong năm tới".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ giá được dự báo tiếp tục ổn định trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO