Ứng dụng hệ thống xếp hạng quốc tế trong đánh giá năng lực ngân hàng của Việt Nam

ThS. Nguyễn Hoàng Diệu Hiền| 23/06/2019 09:39
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thời gian qua, nhiều quốc gia đã áp dụng các phương pháp mới và phát triển các hệ thống phù hợp cho giám sát ngân hàng nhằm trang bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức mới được tạo ra bởi đổi mới tài chính và toàn cầu hóa. Các hệ thống mới này tìm cách đánh giá và theo dõi các thay đổi trong điều kiện tài chính, mức độ rủi ro của ngân hàng và đưa ra những cảnh báo kịp thời.

Ngày nhận bài: 19/5/2019 - Ngày biên tập: 20/5/2019 - Ngày duyệt đăng: 31/5/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 11 năm 2019.

Tóm tắt: Bài viết trình bày việc áp dụng các hệ thống đánh giá quốc tế trong xếp hạng ngân hàng, trong đó nhấn mạnh đến CAMELS tại Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá về khả năng áp dụng của bộ chỉ tiêu vốn được công nhận toàn cầu này, bài viết đề xuất một số ý kiến có tính ứng dụng để đóng góp cho sự lành mạnh, an toàn của ngành ngân hàng và vấn đề quản lý điều hành chính sách trong tương lai ở Việt Nam.

Từ khoá: CAMELS, ngân hàng, Việt Nam, xếp hạng.

Applying international rating system to assess bank capacity in Vietnam

Abstract: The article first presents the application of bank rating systems, which emphasize CAMELS - the one being currently implemented in Vietnam. Based on the assessment of the applicability of this globally recognized model, the article suggests some useful ideas to contribute to the safety and soundness of the Vietnamese banking industry and regulatory policies in the future.

Keywords: CAMELS, banks, Vietnam, rating.

Các ngân hàng đang hiện diện trong một ngành đổi mới nhanh chóng, khiến họ phải tạo ra các dịch vụ tài chính chuyên biệt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu  khách hàng. Theo đó, ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro đang ngày càng phức tạp hơn hiện nay. Để đối phó, việc đánh giá hiệu quả hoạt động chung của các ngân hàng bằng cách thực hiện khung giám sát ngân hàng theo quy định là rất quan trọng. Hệ thống xếp hạng CAMELS được áp dụng đầu tiên tại Mỹ vào năm 1979 đã thể hiện là một công cụ hữu ích và hiệu quả để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của chính phủ Mỹ.

Về mặt lý thuyết, không tồn tại hệ thống nào tối ưu hoặc một kế hoạch chi tiết thống nhất cho cấu trúc và quy trình điều chỉnh, giám sát các ngân hàng. Các quy định về giám sát ngân hàng khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Ngoài sự khác biệt về chính trị cũng như yếu tố lịch sử, các yếu tố quan trọng nhất định hình cách tiếp cận bao gồm tình trạng phát triển của hệ thống tài chính, quy mô và mức độ tập trung của các ngân hàng, sự cởi mở tương đối của hệ thống tài chính trong nước,...

Các hệ thống đánh giá ngân hàng trên thế giới

Thời gian qua, nhiều quốc gia đã áp dụng các phương pháp mới và phát triển các hệ thống phù hợp cho giám sát ngân hàng nhằm trang bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức mới được tạo ra bởi đổi mới tài chính và toàn cầu hóa. Các hệ thống mới này tìm cách đánh giá và theo dõi các thay đổi trong điều kiện tài chính, mức độ rủi ro của ngân hàng và đưa ra những cảnh báo kịp thời.

Hệ thống xếp hạng PATROL

Ngành ngân hàng Ý đã giới thiệu hệ thống xếp hạng PATROL vào năm 1993 như là một công cụ giám sát có hệ thống về sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Các đầu vào chính cho phân tích của PATROL bao gồm thông tin từ dữ liệu báo cáo định kỳ của các ngân hàng. 5 thành phần của PATROL là an toàn vốn, lợi nhuận, chất lượng tín dụng, tính tổ chức và thanh khoản. Mỗi thành phần của PATROL được đánh giá theo thang điểm từ 1 (tốt nhất) đến 5 (kém nhất) dựa trên các tiêu chí. 5 xếp hạng thành phần riêng lẻ được chuyển đổi thành xếp hạng tổng hợp, cũng theo thang điểm từ 1 (tốt nhất) đến 5 (kém nhất), bao gồm tất cả các thông tin có sẵn cho nhà phân tích.

Hệ thống xếp hạng ORAP

Ủy ban Ngân hàng Pháp đã giới thiệu hệ thống ORAP vào năm 1997 như là một hệ thống phân tích đa nhân tố, đặt mục tiêu phát hiện các điểm yếu tiềm ẩn trong các ngân hàng bằng cách kiểm tra tất cả các thành phần rủi ro liên quan đến hoạt động và môi trườn, thông qua sử dụng thông tin định lượng và định tính. Xếp hạng ORAP sử dụng các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài khác nhau. Chúng bao gồm các cơ sở dữ liệu khác nhau của cơ quan giám sát, đặc biệt là dữ liệu do chính các ngân hàng cung cấp và dữ liệu giám sát tại chỗ.

Hệ thống xếp hạng ORAP được chuẩn hóa với xếp hạng cụ thể trên 14 thành phần. Các thành phần liên quan đến các yếu tố thận trọng (tiềm lực vốn, thanh khoản, danh mục tập trung và an toàn vốn), hoạt động ngoại bảng (chất lượng tài sản, nợ xấu và dự phòng cho các khoản nợ), rủi ro thị trường, thu nhập (thu nhập hoạt động, thu nhập không định kỳ và lợi nhuận trên tài sản) và tiêu chí định tính (cổ đông, quản lý và kiểm soát nội bộ). Mỗi thành phần được đánh giá theo thang điểm từ 1 (tốt nhất) đến 5 (kém nhất). Xếp hạng thành phần được chuyển đổi thành xếp hạng tổng hợp, có giá trị giữa 1 (tốt nhất) và 5 (kém nhất).

Hệ thống xếp hạng CAMELS

Mô hình CAMELS được phát triển vào năm 1979, được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ khuyến nghị. Mô hình này đã được sử dụng trong các tổ chức tài chính Mỹ và sau đó trên toàn thế giới. CAMELS hiện tại bao gồm 6 nhân tố là mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, hiệu quả quản lý, thu nhập, tính thanh khoản và mức độ nhạy cảm với thị trường(1). Khung CAMELS nhấn mạnh vào các thông số của hệ thống ngân hàng bằng cách thông qua báo cáo kết quả kinh doanh để đánh giá hiệu quả hoạt động và bảng cân đối kế toán để đánh giá tình hình tài chính của các ngân hàng. Các thang điểm đánh giá cũng được vận hành tương tự như các hệ thống trình bày trước, theo thang điểm từ 1 (tốt nhất) đến 5 (kém nhất). Trong đó chi tiết về các thành phần đánh giá theo mô hình này như sau:

+ An toàn vốn (Capital)

Cơ quan giám sát đánh giá mức độ an toàn vốn của các ngân hàng thông qua phân tích xu hướng vốn. Để có được xếp hạng an toàn vốn cao, các ngân hàng cũng phải tuân thủ các quy tắc và thông lệ về lãi suất và cổ tức. Các yếu tố khác liên quan đến xếp hạng và đánh giá mức độ an toàn vốn của một tổ chức là kế hoạch tăng trưởng, môi trường kinh doanh, khả năng kiểm soát rủi ro, cho vay và tập trung đầu tư.

+ Chất lượng tài sản (Asset)

Chất lượng tài sản bao gồm chất lượng khoản vay của ngân hàng. Đánh giá chất lượng tài sản liên quan đến các yếu tố rủi ro đầu tư mà ngân hàng có thể phải đối mặt và so sánh chúng với thu nhập vốn của công ty. Cơ quan giám sát cũng kiểm tra xem các ngân hàng bị ảnh hưởng như thế nào bởi giá trị thị trường của các khoản đầu tư khi được nhân đôi với giá trị sổ sách. Cuối cùng, chất lượng tài sản được phản ánh bởi hiệu quả của các chính sách và thực tiễn đầu tư của một ngân hàng.

+ Hiệu quả quản lý (Management)

Việc đánh giá khả năng quản lý xác định liệu một ngân hàng có thể phản ứng đúng trước căng thẳng tài chính. Xếp hạng thành phần này được phản ánh bởi khả năng của ban quản lý để đo lường và kiểm soát rủi ro trong các hoạt động hàng ngày của ngân hàng. Nó bao gồm khả năng quản lý để đảm bảo hoạt động an toàn của ngân hàng khi họ tuân thủ các quy định nội bộ và bên ngoài.

+ Thu nhập (Earnings)

Khả năng của một ngân hàng  tạo ra lợi nhuận phù hợp để có thể mở rộng, duy trì khả năng cạnh tranh và gia tăng vốn là một yếu tố quan trọng nhằm đánh giá khả năng tồn tại liên tục của ngân hàng. Cơ quan giám sát xác định điều này bằng cách đánh giá sự tăng trưởng, sự ổn định, tỷ lệ lãi ròng và chất lượng tài sản hiện có của công ty.

+ Thanh khoản (Liquidity)

Để đánh giá tính thanh khoản của ngân hàng, cơ quan giám sát xem xét độ nhạy cảm rủi ro lãi suất, tính sẵn có của tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, phụ thuộc vào nguồn tài chính ngắn hạn, cấu trúc tài sản nợ và tài sản có.

+ Nhạy cảm với rủi ro thị trường (Sensivity)

Cơ quan giám sát đánh giá mức độ nhạy cảm của một ngân hàng đối với rủi ro thị trường bằng cách giám sát việc quản lý danh mục tín dụng. Theo cách này, họ có thể thấy việc cho vay đối với các ngành cụ thể ảnh hưởng đến một ngân hàng như thế nào.

Cách tiếp cận của Việt Nam

Với vị trí là một quốc gia đang phát triển, có thị trường tài chính ngân hàng còn khá non trẻ, Việt Nam đang tận dụng lợi thế của người đi sau để học tập kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới trong đánh giá năng lực hệ thống ngân hàng. Từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất một khung đánh giá ngân hàng cho toàn ngành trên tinh thần tiếp thu những ý tưởng từ bộ nguyên tắc CAMELS. Đây là một bộ đánh giá tiêu chuẩn quốc tế, có ý nghĩa với bản thân ngân hàng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của họ và hữu ích với cơ quan quản lý để thực hiện chức năng thanh tra, giám sát của mình. Như vậy, bên cạnh những tiêu chuẩn được lồng ghép vào các văn bản pháp quy từ các chỉ dẫn của hiệp định Basel, ngành ngân hàng Việt Nam đang hướng đến một hệ thống ngân hàng lành mạnh và hiệu quả hơn thông qua một bộ tiêu chuẩn quốc tế CAMELS. Dưới góc nhìn của NHNN, CAMELS là một bộ công cụ để đánh giá và xếp hạng ngân hàng, tuy nhiên với chính các ngân hàng thương mại thì đây lại là những tiêu chuẩn để họ hướng đến và tập trung hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển năng lực kinh doanh.

Từ năm 2008, NHNN đã ban hành Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN quy định xếp loại ngân hàng, dừng lại ở giới hạn cho các ngân hàng thương mại cổ phần. Bộ chỉ tiêu đánh giá xếp loại gồm 5 thành phần (giống như khởi đầu của CAMELS): vốn tự có, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, kết quả hoạt động kinh doanh và khả năng thanh khoản.

Cuối năm 2018, NHNN cho ban hành Thông tư số 52/2018/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2019, quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thay thế hoàn toàn Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN. Quy định mới đã mở rộng đối tượng được điều chỉnh và đã có những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết hơn trong từng cấu phần với cả những tiêu chí định tính và định lượng. Hệ thống tiêu chí được sử dụng để xếp hạng với các trọng số nhất định gồm có: vốn (20%), chất lượng tài sản (30%), quản trị điều hành (10%), kết quả hoạt động kinh doanh (20%), khả năng thanh khoản (15%) và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (5%). Căn cứ vào mức xếp hạng đạt được, các ngân hàng được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A) nếu có tổng điểm xếp hạng lớn hơn hoặc bằng 4,5; Khá (B) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5; Trung bình (C) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5; Yếu (D) nếu tổng điểm nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5; Yếu kém (E) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 1,5(2).

Kết quả xếp hạng sẽ chỉ được thông báo cho chính ngân hàng đó và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố mà không được công bố rộng rãi. Thậm chí, ngân hàng không được cung cấp kết quả xếp hạng cho bên thứ ba (bao gồm cả ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Theo quy định của Thông tư, thông tin đánh giá xếp hạng ngân hàng phải thực hiện lưu trữ và sử dụng kết quả xếp hạng theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành ngân hàng.

Về việc tiếp cận bộ khung CAMELS tại Việt Nam

Việc cung cấp một khuôn khổ chung trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng có tầm quan trọng lớn do sự hội nhập ngày càng tăng của thị trường tài chính toàn cầu. Mô hình CAMELS phản ánh các điều kiện và hoạt động của các ngân hàng để đưa ra những đánh giá tốt hơn đối với mức độ lành mạnh của ngân hàng. Mục đích của nó là cung cấp một đánh giá chính xác và nhất quán về tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong các lĩnh vực cấu phần.

Chất lượng của từng yếu tố sẽ quyết định sức mạnh tổng thể của ngân hàng, nhấn mạnh đến năng lực nội tại bên trong và mức độ ngân hàng có thể tự chăm sóc bản thân trước những rủi ro thị trường (Muhammad, 2009). Barker & Holdsworth (1993) thấy rằng hệ thống CAMELS rất hữu ích, hoạt động như một mô hình dự đoán thất bại của ngân hàng với nguyên tắc đánh giá được chỉ định dựa trên cả thông tin định lượng và định tính của ngân hàng. Một số nghiên cứu học thuật hiện có liên quan đến đánh giá hiệu quả của các tiêu chí khi sử dụng dữ liệu quá khứ để xếp hạng trong bối cảnh tương lai thị trường ngân hàng thay đổi nhanh chóng. Cole & Gunther (1998) đã phân tích điều này và thấy rằng ngay cả khi xếp hạng CAMELS có chứa thông tin hữu ích, chúng sẽ nhanh chóng mất đi giá trị tham khảo, vì CAMELS được sử dụng để xếp hạng trong quá khứ. Hirtle & Lopez (1999) đã kiểm tra các tiêu chỉ theo CAMELS trước đây để đánh giá các điều kiện hiện tại của các ngân hàng và họ cho rằng thông tin giám sát có trong xếp hạng CAMELS trước đây cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các điều kiện hiện tại của ngân hàng. Tóm lại sau nhiều tranh luận, thông tin giám sát bởi xếp hạng CAMELS vẫn được xem là một cách hiệu quả để đánh giá các điều kiện của ngân hàng.

Tuy vậy, cũng cần thận trọng và khách quan nhìn rõ những điểm yếu tiềm năng có thể thấy được của hệ thống xếp hạng CAMELS khi áp dụng tại thị trường Việt Nam. Cách tiếp cận hiện tại để đánh giá ngân hàng được Việt Nam sử dụng với thiết kế CAMELS về bản chất tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định ngân hàng của Mỹ. Điều này ở một mức độ nào đó không hoàn toàn phù hợp với đặc tính của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Như vậy, cần lưu ý về sự linh hoạt để thích ứng với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, khung CAMELS bỏ qua sự tương tác với ban lãnh đạo cao nhất của các ngân hàng. Phân tích toàn diện về quản lý có thể cho thấy hiệu quả của những người điều hành, đó là yếu tố quan trọng về mặt con người trong việc xác định sự lành mạnh của ngân hàng. Sau cùng, về mặt vận hành thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã “giới hạn” các khoản dự phòng rủi ro cho vay để bù đắp cho các ngân hàng trước các rủi ro tiềm ẩn (để đối phó, cũng có thể đi cùng với nhiều vấn đề khác cùng bản chất), vai trò của dự phòng cho tỷ lệ tổn thất cho vay trong CAMELS đã bị bỏ qua.

Một số đề xuất

Để tăng cường năng lực nội tại của bản thân các ngân hàng và hơn nữa để đảm bảo triển khai công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời gian tới đạt hiệu quả, sau đây tác giả xin đưa ra một vài đề xuất với khả năng ứng dụng thực tế.

Trước hết, khi các ngân hàng Việt Nam đang tìm kiếm sự hợp tác của các nhà đầu tư quốc tế, một hệ thống xếp hạng như CAMELS sẽ là một sự bổ sung, hỗ trợ cho hướng đi đó. Theo đó, các ngân hàng nên trang bị cho đội ngũ nhân viên kiến thức toàn diện về xếp hạng CAMELS để dẫn dắt cho những định hướng, chiến lược về nâng tầm của ngân hàng. Các ngân hàng phải ý thức được ngoài việc bị đánh giá vốn bị xem là một áp lực, các tiêu chí luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bản thân các ngân hàng và nâng cao tiềm lực, khẳng định thương hiệu của chính ngân hàng mình.

Về mặt lựa chọn bộ công cụ đánh giá và xếp hạng, cần phải linh hoạt trong vấn đề áp dụng. Tuỳ vào từng thời điểm của nền kinh tế, mục đích để đánh giá xếp loại ngân hàng hay mức độ rủi ro, năng lực hoạt động của từng ngân hàng,… mà có những bộ nguyên tắc phù hợp. Trong quá trình triển khai, việc quan sát và tiếp tục học hỏi các mô hình hiệu quả trên thế giới là cần thiết để qua đó có thể ứng dụng với sự đan xen, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

NHNN cần phát triển mô hình định lượng cần thiết để đo lường khả năng thực tế của mỗi ngân hàng, qua đó có thể ước tính xem xét mức tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng cụ thể. Đây là một vấn đề còn chưa được làm rõ hiện nay, khi mà để điều hành chính sách tiền tệ thì công cụ hạn mức tín dụng giao khoán cho từng ngân hàng được áp dụng. Trong khi bản chất của hạn mức tín dụng là công cụ điều hành mang tính hành chính, can thiệp trực tiếp. Việc NHNN chưa xây dựng và công khai phương pháp tính toán các tiêu chí để làm cơ sở phân bổ hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng nên phần nào còn hạn chế tính minh bạch, công bằng và cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Kết luận

Để đảm bảo hoạt động lành mạnh, vững chắc và ổn định, các ngân hàng phải được phân tích và đánh giá theo một bộ nguyên tắc vận hành hợp lý và loại bỏ các lỗ hổng tiềm ẩn. Theo cách này, một trong những phương pháp phổ biến nhất để phân tích và đánh giá các ngân hàng được thể hiện bằng khung CAMELS. Một nghiên cứu thực nghiệm trong tương lai là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu áp dụng đồng bộ bộ chỉ tiêu đánh giá này trên toàn hệ thống.

Chú thích:

1 Văn phòng tổ chức tài chính của Michigan là cơ quan đầu tiên trong số các bang của Mỹ áp dụng hệ thống xếp hạng ngân hàng mới, bổ sung thành phần thứ sáu vào hệ thống xếp hạng “CAMEL” hiện có, “S” về độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. Michigan từ lâu đã tuân thủ một hệ thống quy định, xem xét độ nhạy cảm của lãi suất, nhưng giờ đã hành động để chính thức hóa các tiêu chí. Khởi đầu CAMELS chỉ có 5 cấu phần.

2 Thang đo theo cách tiếp cận này ngược so với mô hình CAMELS áp dụng tại Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

- Barker, David, & Holdsworth, David. (1993). The causes of bank failures in the 1980s. Research Paper No. 9325, Federal Reserve Bank of New York.

- Cole, Rebel A. & Gunther, Jeffery. (1998). Predicting bank failures: A comparison of on-and off-site monitoring systems. Journal of Financial Services Research, 13(2), 103-117.

- Hirtle, Beverly J. & Lopez, Jose A. (1999). Supervisory information and the frequency of bank examination. FRBNC Economic Review.

- Muhammad, Haidar. (2009). Banks and CAMELS. [Truy cập ngày 17/05/2019, tại http://ezinearticles.Com/?Banks-And-CamelsandId=2565867]

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2008). Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/03/2008 quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2018). Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng hệ thống xếp hạng quốc tế trong đánh giá năng lực ngân hàng của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO