(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trao đổi của bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Giám đốc mảng Ứng dụng Oracle Việt Nam về vai trò của công nghệ tới việc quản lý tài chính của doanh nghiệp và từng cá nhân.
Phóng viên: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và sự bùng nổ của công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý kỹ thuật số và Blockchain đã có nhiều tác động đến mối quan hệ của con người với tài chính nói chung và tiền bạc nói riêng. Theo một nghiên cứu toàn cầu gần đây của Oracle, 67% người được hỏi tin tưởng máy móc hơn khi nói đến quản lý tài chính của họ. Xin bà cho biết rõ hơn về nghiên cứu và số liệu thống kê này của Oracle?
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Giám đốc mảng Ứng dụng Oracle Việt Nam |
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động lớn khiến con người thêm lo lắng về việc làm thế nào để có thể quản lý tài chính một cách khôn ngoan. Năm 2020 chính là thời điểm khiến chúng ta nhận thấy rõ hơn vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy mảng tài chính phát triển theo nhiều phương thức mới, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và giúp người dân thích nghi với điều kiện “bình thường mới”. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ - khi mà trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu (analytics) đang tác động tới mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc tại nhà và nơi làm việc, điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tầm ảnh hưởng của công nghệ lên mối tương quan của con người với tài chính nói chung và tiền bạc nói riêng.
Với lý do này, Oracle đã hợp tác với một trong những chuyên gia tài chính hàng đầu tại Hoa Kỳ - bà Farnoosh Torabi và Công ty nghiên cứu Savanta Research để khảo sát hơn 9.000 người tiêu dùng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại hơn 14 quốc gia. Cuộc khảo sát tìm hiểu về suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về tiền bạc, tài chính, ngân sách, cũng như kì vọng của mọi người về các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) và robot trong việc thực thi và quản lí các nhiệm vụ tài chính.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 khiến nỗi lo lắng, buồn phiền của người dân các nước trên thế giới tăng lên gấp đôi. Không chỉ có 90% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy lo lắng về ảnh hưởng của COVID-19 tới doanh nghiệp mình, 87% người tiêu dùng cũng đang trải qua những mối lo về tài chính do mất việc và cắt giảm các khoản tiết kiệm. Khi phải đối mặt với bao nỗi bất ổn ở thời điểm hiện tại, đã có 67% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ tin tưởng robot nhiều hơn con người trong việc quản lý tài chính. Việc phần lớn các nhà lãnh đạo và người tiêu dùng chọn tin tưởng robot hơn các nhóm và nhân viên cố vấn tài chính đã cho thấy rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch tới niềm tin của chúng ta vào bản thân mình và người khác, cũng như vai trò của robot trong việc giúp chúng ta đối mặt với tình hình này.
Nhờ những khám phá mới về suy nghĩ của các lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng về tiền bạc và robot trong việc quản lý tài chính, nghiên cứu này đem tới cơ hội đáng kể để có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng của COVID-19 và những tiến bộ công nghệ tới mối quan hệ của con người với tiền bạc ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Phóng viên: Để giúp quản lý, thực hiện các nhiệm vụ tài chính, rõ ràng đã và đang xuất hiện nhiều hơn xu hướng phụ thuộc của con người vào công nghệ. Điều này theo bà sẽ dẫn tới những thay đổi nào đáng chú ý trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Mối quan hệ giữa con người với tiền bạc và công nghệ đang thay đổi mau chóng dẫn đến việc ngày càng có nhiều nhà quản lí doanh nghiệp và người tiêu dùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lí tài chính. Sự thay đổi đã được nhìn nhận trong nghiên cứu lần này của chúng tôi.
Có tới 85% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn robot hỗ trợ trong các tác vụ tài chính của doanh nghiệp mình, điều này sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn trong cấu trúc và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Với khả năng duy trì độ nhất quán và độ chính xác cao khi phân tích số liệu, robot sẽ sớm đóng vai trò không thể thiếu trong việc giúp doanh nghiệp chống gian lận tài chính, lập hoá đơn, báo cáo, cũng như thu thập và phân tích thực trạng tài chính. Nhờ đó, các nhà tư vấn và hoạch định tài chính có thể tập trung vào việc giao tiếp với khách hàng, đàm phán ưu đãi và phê chuẩn các phiên giao dịch.
Bên cạnh những sự thay đổi trong mô hình kinh doanh, việc khách hàng có thêm nhiều kỳ vọng hơn về chất lượng của các dịch vụ tài chính cũng là một thay đổi đáng chú ý trong thời gian tới. Tại nhiều thị trường trên thế giới, ngày càng nhiều người tiêu dùng hạn chế tới các chi nhánh ngân hàng hay sử dụng tiền mặt. Việc khách hàng ưa chuộng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử đồng nghĩa với việc họ sẽ có nhiều kỳ vọng hơn về chất lượng dịch vụ, từ đó nâng tầm quan trọng của việc cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng hy vọng việc dùng robot sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các khoản chi tiêu không cần thiết và tự động thanh toán đúng hạn sẽ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, họ vẫn mong muốn tham khảo ý kiến các chuyên viên cố vấn tài chính cá nhân khi phải đối mặt với các quyết định tài chính quan trọng như mua nhà, mua xe, hay lên kế hoạch về hưu.
Khi chúng ta nhìn nhận một cách tổng thể về những thay đổi trong mô hình kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng, chúng ta có thể thấy rằng vai trò của các nhà hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân sẽ không còn như trước nữa. Robot sẽ đảm nhiệm các tác vụ truyền thống của các nhà hoạch định tài chính, ví dụ như lập ngân sách, dự đoán, báo cáo và quản lý rủi ro. Trong khi đó, các nhà hoạch định tài chính sẽ đảm nhận những vai trò mang tính chiến lược hơn - đòi hỏi nhiều chuyên môn cao và kĩ năng mềm như giao tiếp với khách hàng, đàm phán, hay tư vấn cho khách hàng trong các giao dịch với tài sản có giá trị cao.
Với thực tế công nghệ đang đổi mới từng ngày để giúp các doanh nghiệp làm được nhiều việc hơn, giảm thiểu chi phí và đem lại kết quả tốt hơn, tôi tin rằng những sự thay đổi này sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Phóng viên: Theo bà, để có thể thích ứng với những thay đổi đang diễn ra, các ngân hàng/giám đốc tài chính/tổ chức tài chính tại Việt Nam cần làm gì?
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi tin rằng bước đi hợp lý nhất cho các nhà hoạch định tài chính và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chính là nắm lấy cơ hội mà những sự thay đổi này mang tới bằng cách tối ưu hoá công nghệ để được cung cấp thông tin kịp thời và chi tiết, và sử dụng lượng thông tin đó để cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp mình.
Năm 2020 đã thực sự khiến nhiều tổ chức suy nghĩ lại về câu hỏi “làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác để quản lý quy trình tài chính và kết nối với người tiêu dùng?”. Về ngắn hạn, do COVID-19 đã khiến việc sử dụng phương thức thanh toán điện tử trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc cho phép người tiêu dùng thanh toán điện tử bằng nhiều phương thức đa dạng. Thêm vào đó, do các công việc tốn nhân công sẽ được máy móc tự động hoá, việc xây dựng lại các bộ kỹ năng cần thiết cho công việc cũng sẽ cần được ưu tiên.
Về lâu dài, khi công nghệ kỹ thuật số trở thành quy chuẩn trong tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm tương tác tự động (chatbots) sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc hỗ trợ các tổ chức tìm ra nhiều phương thức mới để kết nối với khách hàng. Trước kia, các tổ chức tài chính thường phụ thuộc vào giá, tốc độ và vị trí để thu hút khách hàng, thì nay các nền tảng trực tuyến giúp khách hàng so sánh giá dễ dàng hơn. Như vậy, các tổ chức tài chính sẽ cần phải tập trung hơn nữa trong việc đem tới những trải nghiệm dịch vụ được cá nhân hoá sao cho phù hợp với mỗi khách hàng.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ để kết nối với khách hàng, các nhà điều hành doanh nghiệp cũng cần xem xét lại về các quy trình tài chính của công ty mình. Muốn tăng năng suất làm việc và giữ vững vị thế cạnh tranh trong những năm tới, các nhà điều hành tài chính nên tích hợp công nghệ vào mô hình kinh doanh và tự động hoá quy trình làm việc.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tầm quan trọng của việc này, ví như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã có dự án triển khai Giải pháp Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng Điện toán đám mây của Oracle (ERP). Theo đó, ngân hàng đã chuyển dịch các quy trình vận hành trọng yếu lên nền tảng điện toán đám mây. Sự chuyển dịch giúp các luồng dữ liệu được sắp xếp hợp lý, đồng thời cho phép nhà quản lý thu thập dữ liệu theo thời gian thực, từ đó tăng tốc độ dịch vụ, cải thiện tính minh bạch cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Mối quan hệ đang thay đổi của chúng ta với tiền bạc và công nghệ đã đặt ra nhiều thách thức lớn, song cũng mở ra nhiều cơ hội quan trọng. Tôi tin chắc rằng việc hiện đại hoá chính sách, quy trình và thay đổi mô hình tổ chức doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức đặt ra trong bối cảnh đại dịch, đồng thời khai phá tiềm năng của công nghệ để đạt nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp và xã hội.
Phóng viên: Cảm ơn bà đã dành thời gian trao đổi!