Kết nối

Vân Đồn làm được gì sau 3 năm thí điểm Ban Quản lý Khu kinh tế?

Nguyễn Nga 13/07/2023 - 14:35

Trong 3 năm thí điểm, Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được hơn 37.826 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, với sự góp mặt đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong nước như Sun Group, CEO Group, Tổng Công ty CP Viglacera, HD MON…

Mới đây, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết 101 chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến việc chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, sau khi hết thời hạn 3 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất dừng thí điểm mô hình và chuyển nhiệm vụ của ban quản lý này về Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh.

Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, được thành lập từ ngày 21/4/2020 với thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm.

Trong đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn sẽ là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn.

Cơ quan này đảm nhiệm vai trò quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Trong đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn chưa được phân cấp, ủy quyền mạnh mang tính chất “thí điểm” nên chức năng, nhiệm vụ thực hiện tương tự như các ban quản lý khu kinh tế khác.

Bên cạnh đó, Khu kinh tế Vân Đồn nằm trên địa bàn giáp biên giới, có nhiều diện tích rừng, diện tích biển đảo nhưng lại chưa có chính sách ưu đãi đặc thù, nổi trội để tạo động lực thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ chưa đầy đủ dẫn đến chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực vào triển khai các dự án động lực.

3 năm hút hơn 37.826 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau nhiều năm dành nguồn lực đầu tư và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn đã có 64 dự án đăng ký đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn 62.900 tỷ đồng (trong đó có 61 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 62.683 tỷ đồng, 3 dự án FDI với số vốn 226 tỷ đồng).

Riêng trong 3 năm hoạt động thí điểm của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc hơn so với trước đó. Cụ thể, đã thu hút thêm được hơn 37.826 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, gấp 1,5 lần so với số vốn đăng ký trong giai đoạn trước đây cộng lại. 

Trong đó có sự góp mặt đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong nước như Sun Group, CEO Group, Tổng công ty CP Viglacera, HD MON...

Đến nay Vân Đồn đang có một số dự án trọng điểm đang gấp rút hoàn thành như: Bến cảng cao cấp Ao Tiên vốn đầu tư 613,3 tỷ đồng; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbor Vân Đồn vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch vốn đầu tư trên 24.800 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; Khu đô thị mới phía Đông Bắc cảng Cái Rồng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; hồ chứa nước Đồng Dọng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng.

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2022, chia sẻ với báo chí ông Cao Tường Huy - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn (hiện là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh), cho biết: "Chúng tôi quyết tâm đến năm 2040, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên; trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực, bảo đảm môi trường sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vân Đồn làm được gì sau 3 năm thí điểm Ban Quản lý Khu kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO