Trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải “xoay xở" bán hàng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, hầu hết các doanh nghiệp BĐS vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.
Kết quả khảo sát mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Theo thống kê, hiện nay, hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu BĐS và vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng tiền từ các kênh này, đều đang “trục trặc”.
Việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch,... trên thị trường gần như bị ngưng trệ, ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS và hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… Đồng thời, gián tiếp gây ra những hệ lụy về lâu dài cho nền kinh tế.
Giải bài toán "đói vốn" cho doanh nghiệp BĐS
Theo Vars, trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải “xoay xở" bán hàng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, hầu hết các doanh nghiệp BĐS vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi,... nhưng các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do “sức khỏe” của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.
Một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý. Một nhóm các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận với nguồn vốn lại gặp khó khăn do khó hấp thụ vì lãi suất vẫn ở ngưỡng cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Một nhóm các doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.
Do đó, để doanh nghiệp BĐS có thể hấp thụ các nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để.
Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Đồng thời, các cơ quan chức năng bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ chính các doanh nghiệp BĐS làm ăn chân chính. Nguồn vốn cần được khơi thông cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, như chúng tôi đã đưa tin, ngày hôm qua (12/9), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023.
Tại nghị quyết trên, Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan và địa phương triển khai hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.