VDSC: Còn dư địa để kích thích tiền tệ hơn nữa

Thùy Dương| 07/07/2020 21:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các số liệu kinh tế gần đây ngụ ý một triển vọng tươi sáng hơn về phục hồi kinh tế, nỗi sợ hãi về dịch Covid-19 đang mờ nhạt dần và tiền đang quay trở lại hệ thống ngân hàng. Giới chuyên môn tin rằng, khoảng cách lớn giữa tăng trưởng tiền gửi và tăng trưởng cung tiền như nửa đầu năm 2020 sẽ không còn tồn tại trong nửa cuối năm.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 có những thay đổi bất thường về các chỉ số tiền tệ, bao gồm: tăng cung tiền, tăng trưởng tín dụng và tiền gửi do tác động của Covid-19.

Cụ thể, tính đến ngày 20/6/2020, tăng trưởng cung tiền đã dần tăng lên và duy trì ở mức xấp xỉ 5%, mặc dù con số này thấp hơn mức 7,1% vào cuối năm 2019. Thặng dư thương mại tốt hơn mong đợi, khi đạt 4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chỉ tương đương một nửa tăng trưởng cung tiền. Tuy nhiên, về mặt tích cực, tăng trưởng tín dụng đã tăng gần 1,3% trong 30 ngày qua. Điều này gia tăng hy vọng của về việc giải ngân tín dụng đầy hứa hẹn nửa năm còn lại.

Theo tính toán của VDSC, tăng trưởng tín dụng năm 2020 dự kiến đạt 9-10%.

VDSC cũng lý giải rằng, khoảng cách hiện tại giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng là một trong những nguyên nhân chính giải thích vì sao lãi suất liên ngân hàng đột ngột giảm trong 2 tháng trở lại đây và đánh dấu mức thấp nhất trong lịch sử, 0,12% vào ngày 2/7/2020.

Điểm nổi bật khác có liên quan đến những thay đổi kỳ lạ trong tăng trưởng tiền gửi gần như đi ngang kể từ cuối tháng 4, đó là: tiền gửi tư nhân tăng 3,7% so với đầu năm, còn tiền gửi của doanh nghiệp giảm gần 4% từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi tăng vọt đáng kể trong tháng 5 và tháng 6, ở mức 4,4% so với đầu năm.

Tăng trưởng tiền gửi ở các tỉnh/thành phố phía Bắc tăng ổn định, thì ở phía Nam ghi nhận nhiều biến động. Điển hình, tăng trưởng tiền gửi tại TP. Hồ Chí Minh chiếm gần 30% tổng tiền gửi cả nước vẫn đi ngang vào cuối tháng 4/2020 trước khi tăng vọt một tháng sau đó và đạt 1,8% so với đầu năm 2020. Hầu hết các khoản tăng đến từ các khu vực doanh nghiệp có giá trị (tăng 3,6%).

VDSC cho biết, mức tăng trưởng tiền gửi rất thấp trong 4 tháng năm 2020 có liên quan đến các dự báo bi quan về tác động của Covid-19. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp duy trì một lượng tiền mặt nhàn rỗi cao để bảo vệ hoạt động kinh doanh trước những rủi ro chưa từng có.

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế gần đây ngụ ý một triển vọng tươi sáng hơn về phục hồi kinh tế, nỗi sợ hãi đang mờ nhạt dần và tiền đang quay trở lại hệ thống. “Chúng tôi tin rằng khoảng cách lớn giữa tăng trưởng tiền gửi và tăng trưởng cung tiền sẽ không còn tồn tại trong nửa cuối năm 2020”, VDSC dự báo.

Trong bối cảnh tái khởi động nền kinh tế, VDSC tin rằng chính phủ các nước, bao gồm cả Việt Nam, cần phải quan sát tác động của việc nới lỏng tài chính và tiền tệ đối với sự phục hồi kinh tế trước khi đưa ra bất kỳ sự nới lỏng nào. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang phân phối lại giới hạn tín dụng giữa các ngân hàng thương mại nhưng các chuyên gia của VDSC tin rằng: “Có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất”.

“Hiện tại, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương nên ưu tiên ổn định tài chính hơn ổn định giá cả. Điều đó có nghĩa việc cắt giảm lãi suất nhằm khởi động lại nền kinh tế sẽ đầy hứa hẹn”, các chuyên gia của VDSC đưa ra gợi ý.

Liên quan đến lạm phát, CPI toàn phần và CPI cơ bản ở mức lần lượt 4,2% so với cùng kỳ năm trước và 2,8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lạm phát gây áp lực đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách, song các chuyên gia tin rằng lạm phát sẽ sớm được kiểm soát tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VDSC: Còn dư địa để kích thích tiền tệ hơn nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO