VDSC: Thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ rệt hơn kể từ quý II

Ngô Hải| 13/05/2020 11:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ rệt hơn kể từ quý II/2020. So với các ngân hàng tư nhân, thu nhập lãi của các ngân hàng quốc doanh trong cả năm 2020 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do các ngân hàng này dược kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ cho khách hàng.

Nhận định trên vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra trong báo cáo cập nhật nhận định ngành Ngân hàng, với chủ đề: “NHNN chủ trương tiếp tục miễn giảm lãi và cơ cấu nợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch”.

Các chuyên gia của VDSC cho biết, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ một cách quyết liệt và nhanh chóng hơn. Thống đốc NHNN nhấn mạnh rằng: các ưu đãi theo Thông tư 01 có thể được áp dụng cho bất cứ cá nhân, tổ chức, hộ gia đình là khách hàng bị sụt giảm doanh thu do dịch mà không giới hạn ngành nghề, loại hình; cho tất cả các khoản vay thỏa mãn điều kiện mà không phân biệt đồng tiền vay và nhóm nợ tại thời điểm thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi.

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải xử lý nhanh chóng các yêu cầu hỗ trợ của khách hàng và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho bên yêu cầu. Với định hướng này, VDSC dự báo: “phạm vi và mức độ miên giảm lãi, cơ cấu nợ sẽ mở rộng hơn trong các tháng tới. Theo đó, dự kiến tác động tiêu cực lên NIM (vào sau đó là thu nhập lãi) sẽ trở nên mạnh mẽ hơn so với quý 1”.

Thực tế cho thấy, mức lãi suất cho vay thời gian quan đã giảm từ 0,5-2,5 điểm % so với trước dịch. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp chiếm gần 80% số dư nợ đã được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ. Cho đến ngày 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã tiến hành: giãn nợ/tái cơ cấu nợ cho 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ (1,6% dư nợ hệ thống); miễn giảm lãi cho 260 nghìn khách hàng với trên một triệu tỷ dư nợ (12,2% dư nợ hệ thống); cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 182 nghìn khách hàng với 630 nghìn tỷ dư nợ kể từ ngày bắt đầu có dịch (7,7% dư nợ hệ thống). Nhìn chung, các chính sách này đã có hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế từ mức 0,8% vào giữa tháng 4 lên 1,3% (tính đến ngày 28/4).

VDSC nhận định rằng: “sắp tới các ngân hàng với hoạt động tín dụng của mình cũng sẽ phải hỗ trợ tích cực hơn khách hàng để góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế”. Bởi lẽ, trong bối cảnh Chính phủ xác định rằng việc hồi phục tăng trưởng kinh tế là nhu cầu cấp bách và là nhiệm vụ của tất cả các thành phần.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế năm 2020 phải cao hơn so với dự báo gần đây của IMF (2,7%, giảm từ mức 7% đưa ra hồi tháng 1). Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 được đặt ra ít nhất là 5%, trong khi thực tế đạt vào quý I/2020 là 3,82% so với cùng kỳ. Điều này hàm ý rằng tăng trưởng của các quý cuối năm phải được thúc đẩy mạnh hơn nhằm bù đắp cho tăng trưởng chậm trong quý I, khả năng lớn là cả quý II.

“Chúng tôi duy trì quan điểm trước đây về tăng trưởng tín dụng và xu hướng của NIM. Về tín dụng, chúng tôi kỳ vọng hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ không được nới thêm quá nhiều do NHNN vẫn phải giữ định hướng đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát”, VDSC nhận định.

Trên cơ sở đó, VDSC giữ nguyên dự báo hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ được nới thêm 2-3 điểm % so với mức đã giao đầu năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2020 ở các ngân hàng được VDSC theo dõi nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 13-15% (trừ BIDV và VietinBank có thể thấp hơn mức này).

Về NIM, công ty cũng dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ ở hầu hết các ngân hàng do tác động của ưu đãi lãi suất cho vay dự kiến vẫn mạnh hơn tác động của giảm lãi suất chính sách.

Tựu chung lại, VDSC kỳ vọng thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ rệt hơn kể từ quý 2. Trong số đó, so với các ngân hàng tư nhân thì thu nhập lãi của các ngân hàng quốc doanh trong cả năm 2020 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do các ngân hàng này dược kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ cho khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VDSC: Thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ rệt hơn kể từ quý II
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO