Các nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura dự đoán các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Một sự xoay trục ôn hòa từ các nền kinh tế lớn trong khu vực trước FED - hoặc "tách rời" khỏi chu kỳ thắt chặt toàn cầu do FED dẫn đầu - có thể diễn ra do các điều kiện kinh tế vĩ mô khác nhau ở châu Á, một ghi chú cuối tuần trước của Nomura cho biết.
“Quan điểm của chúng tôi về việc các Ngân hàng Trung ương châu Á có thể đi trước FED trong việc cắt giảm lãi suất chính sách trong chu kỳ này dựa trên sự khác biệt cơ bản giữa các nền kinh tế châu Á và Mỹ,” các nhà kinh tế của Nomura viết.
Biên bản cuộc họp tháng 6 của FED cho thấy, sẽ còn có nhiều đợt tăng lãi suất phía trước, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ngược lại, Trung Quốc đã chuyển sang chính sách cắt giảm lãi suất khi sự phục hồi kinh tế của quốc gia này sau các đợt phong tỏa do COVID-19 tiếp tục chậm lại và các nhà đầu tư thì đang để mắt đến các biện pháp kích thích tiếp theo.
Theo một cuộc khảo sát tức thời do nhóm nghiên cứu của Nomura thực hiện, hơn 32% số người được hỏi cho biết họ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ là nước đầu tiên cắt giảm lãi suất sau Trung Quốc, tiếp theo là Indonesia, Philippines và sau đó là Ấn Độ.
Các nhà kinh tế viết: “Sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và thậm chí cả Indonesia có thể cắt giảm lãi suất trước FED, do lạm phát giảm nhanh hơn, nhu cầu yếu và lãi suất thực cao hơn”.
Thiểu phát nhanh hơn là mối quan tâm
Các nhà kinh tế của Nomura chỉ ra rằng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa làm tổn hại đến tăng trưởng trong khu vực và thiểu phát là những lý do chính khiến họ kỳ vọng các Ngân hàng Trung ương châu Á sẽ cắt giảm lãi suất trước cả FED.
“Theo quan điểm của chúng tôi, châu Á hiện cũng đang bước vào thời kỳ mà nhu cầu trong nước có thể sẽ chậm lại, phản ánh những tác động trễ của việc bình thường hóa chính sách tiền tệ”, ghi chú viết.
Các nhà kinh tế của Nomura cho biết: “Khi nhu cầu trong nước hạ nhiệt và lạm phát cơ bản giảm dần, theo quan điểm của chúng tôi, điều này sẽ dẫn đến việc chuyển lãi suất sang các chế độ ít bị giới hạn hơn”.
Các chuyên gia nói thêm rằng các điều kiện chặt chẽ hơn trong thị trường lao động, không giống như Mỹ, “không phải là mối lo ngại đối với châu Á”, ngoại trừ Singapore.
Vì vậy, lạm phát lõi không quá “cứng”, kéo dài, đồng thời cho biết thêm rằng lạm phát ở châu Á chủ yếu là do từ phía nguồn cung nhiều hơn là từ phía nguồn cầu.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã bước vào khu vực giảm phát, trong khi lạm phát của Hàn Quốc dao động quanh mức 2,7%, gần với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương nước này.
Các nhà kinh tế cho rằng: “Việc thiểu phát đang diễn ra nhanh hơn nhiều trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi châu Á, nơi thực phẩm và năng lượng có trọng số cao hơn trong rổ CPI và lạm phát gia tăng là do phía cung nhiều hơn”.
Hàn Quốc có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất
Nomura kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ là một trong những Ngân hàng Trung ương đầu tiên sau Trung Quốc cắt giảm lãi suất. Các nhà kinh tế kỳ vọng cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản vào tháng 10 và cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay.
Các nhà kinh tế viết: “BOK đã tăng cường nhấn mạnh vào các yếu tố trong nước (tăng trưởng) mặc dù cơ quan này dường như vẫn nhạy cảm với lập trường chính sách của FED”.
Họ chỉ ra rằng Thống đốc BOK Rhee Chang-yong đã phớt lờ những lo ngại của nhà đầu tư về đồng Won của Hàn Quốc đang suy yếu.
“Thống đốc Rhee đã tuyên bố rõ ràng rằng chênh lệch lãi suất không phải là động lực chính khiến đồng Won yếu đi và loại bỏ rủi ro xảy ra các sự kiện tài chính do sự yếu đi của đồng nội tệ.”
Ngày 11/7, đồng Won của Hàn Quốc được giao dịch ở mức 1.298,57 so với đồng đô la Mỹ khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ của BOK dự kiến vào cuối tuần này.
Câu chuyện tại Ấn Độ
Các nhà kinh tế tại Nomura cũng chỉ ra rằng nền kinh tế định hướng quốc nội theo kiểu của Ấn Độ có thể hỗ trợ quỹ đạo chính sách tiền tệ độc lập với quỹ đạo của FED.
“Chính sách của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) - Ngân hàng Trung ương của Ấn Độ chủ yếu do các yếu tố trong nước dẫn dắt và nếu họ cho phép nới lỏng chính sách (do tăng trưởng và lạm phát thấp hơn), thì RBI có thể đi trước FED,” các nhà kinh tế viết.
Nomura hy vọng RBI cũng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 10, với tổng mức cắt giảm dự báo là 75 điểm cơ bản.
“Nhận định của chúng tôi là, khi tăng trưởng của Ấn Độ bắt đầu giảm sút, chế độ lạm phát mục tiêu linh hoạt của RBI sẽ tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng, chừng nào lạm phát cơ bản đang tiến gần hơn tới mức 4,5%, mà hiện nay đã là như vậy,” các nhà kinh tế của Nomura viết .
Ấn Độ trước đây cũng đã tách ra khỏi chu kỳ của FED. RBI bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 2/2019, vài tháng trước khi FED thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
“Điều này đi ngược lại với quan điểm phổ biến rằng chính sách tiền tệ ở các quốc gia có lợi suất/thâm hụt tài khoản vãng lai cao thường gắn với quan điểm chính sách của FED vì những lo ngại về ngoại hối”, các nhà kinh tế của Nomura cho biết.
(Nguồn: CNBC)