Tháng 12/2023, tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng hơn 39.000 tài khoản, cả năm 2023 tăng 385.700 tài khoản. Đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 39.430 tài khoản trong tháng 12/2023. Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng cuối năm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 39.240 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 190 tài khoản.
Như vậy, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại sau 2 tháng liên tiếp sụt giảm do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán.
Tính chung cả năm 2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm tổng cộng 385.700 tài khoản. Đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7% dân số.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng trở lại trong bối cảnh thị trường diễn biến khá tích cực trong tháng 12. VN-Index tăng 3,3% qua đó kết thúc năm tại mức 1.129,93 điểm. Tính chung cả năm 2023, chỉ số tăng 12,2% dù khối ngoại bán ròng khoảng 1 tỷ USD trên thị trường, đặc biệt chuỗi bán ròng trong tháng cuối cùng của năm diễn ra 20 phiên liên tiếp.
Dù bán ròng với giá trị lớn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mở thêm tài khoản chứng khoán, đến cuối năm 2023, có tổng cộng 42.711 tài khoản chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài, tăng 253 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 11 trước đó. Về cơ cấu, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân tăng thêm 225 tài khoản, còn lại thuộc về các tổ chức.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2023, chuyên gia VDSC cho biết, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.080 – 1.390 điểm. Giá trị khớp lệnh bình quân có thể duy trì ở mức 15.000 – 20.000 tỷ đồng/phiên.
Theo VDSC, thiếu câu chuyện thu hút nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là động lực dẫn dắt chính của thị trường. Điều này có thể khiến thị trường biến động nhanh và mạnh, theo cả chiều tăng và chiều giảm.
Quan sát trong quá khứ, VDSC nhận thấy rằng Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tích cực khi (1) Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và định giá thị trường hấp dẫn, vào những giai đoạn nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến lớn trong thương mại hay chuyển hóa (như WTO, câu chuyện thoái vốn nhà nước, nâng hạng), hoặc (2) Các thị trường phát triển hơn có chính sách kích thích đầu tư ra nước ngoài.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi chưa thấy có nhiều chuyển biến tích cực ở các điều kiện trên. Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ đảo chiều sang nới lỏng trong nửa cuối năm 2024 và định giá thị trường cổ phiếu ở thị trường phát triển không còn hấp dẫn sẽ thúc đẩy sự phân bổ lại dòng tiền, một phần sang các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam”, VDSC nhận định.