Các Hiệp hội ngành, nghề

Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN

Thanh Thanh 16/11/2023 08:50

Thay vì mua bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới trước khi xuất nhập cảnh tại đại lý bảo hiểm đặt tại cửa khẩu, giờ đây chủ xe hoàn toàn mua online trên hệ thống khi hệ thống bảo hiểm bắt buộc (BHBB) xe cơ giới ASEAN (ACMI) được kết nối.

Ngày 15/11/2023, Cơ quan Quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 về Chương trình BHBB xe cơ giới ASEAN (VINABAI) chính thức thông báo về việc Việt Nam đã kết nối thành công vào hệ thống ACMI (ASEAN compulsory motor insurance system).

bao-hiem-co-gioi.png
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố thông tin

Theo đó, chủ xe cơ giới từ các nước ASEAN quá cảnh tại Việt Nam hay Việt Nam là nước đi đến cuối cùng phải tham gia BHBB trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

ACMI là hệ thống cơ sở dữ liệu BHBB xe cơ giới ASEAN, được sử dụng làm cơ sở dữ liệu trung tâm để các nước thành viên tham gia hệ thống cấp đơn bảo hiểm.

Hệ thống này được sử dụng chính thức tại 10 quốc gia ASEAN và là một hoạt động triển khai thực hiện Nghị định thư số 5 về chương trình BHBB xe cơ giới của ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN.

Đồng thời, ACMI sẽ hướng tới kết nối với hệ thống thông quan điện tử hàng hóa quá cảnh ASEAN (ACTS) nhằm tạo cơ chế một cửa điện tử về thủ tục hàng hóa quá cảnh, thúc đẩy thực hiện Hiệp định khung ASEAN về thuận lợi hóa hàng hóa quá cảnh ASEAN (AFAFGIT).

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), với việc kết nối thành công vào hệ thống ACMI, Việt Nam là một trong số các nước đi đầu trong hoạt động này, cùng với Thái Lan là nước quản lý hệ thống ACMI và Singapore là đất nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Theo đó, người sử dụng xe cơ giới có thể vào hệ thống ACMI này để đăng ký thẻ xanh (blue card) - bằng chứng chứng nhận xe cơ giới đã được cấp đơn bảo hiểm đáp ứng yêu cầu bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại các nước quá cảnh và nước đi đến cuối cùng trong khối ASEAN.

Chủ tịch VINABAI, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống ACMI có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bên cạnh việc khẳng định rằng xe cơ giới của ASEAN quá cảnh vào Việt Nam cần tham gia BHBB xe cơ giới, việc kết nối thành công này sẽ giúp thúc đẩy việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN, trong đó có Việt Nam, một cách hiệu quả”.

Ông Tuấn cho biết thêm các chứng từ bảo hiểm sẽ phải được mang theo trên xe (bản cứng hoặc bản điện tử) để cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia kiểm tra tại biên giới. Cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi các yêu cầu bảo hiểm có thể kiểm tra giấy chứng nhận bảo hiểm dọc theo tuyến đường được chỉ định.

Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam duy nhất được giao để triển khai Nghị định thư số 5, tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển xe cộ, hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới ASEAN. Qua đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã tích cực trao đổi, thống nhất về các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ để triển khai cấp thẻ xanh điện tử qua hệ thống ACMI.

Tại Việt Nam, việc kết nối vào hệ thống ACMI là một tiền đề quan trọng đối với các xe cơ giới quá cảnh trong việc thực hiện Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về BHBB trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được Chính phủ ban hành ngày 06/9/2023 (thay thế Nghị định 03/2021/NĐ-CP). Cụ thể, chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải tham gia BHBB trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Đây cũng là thông lệ chung ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi (cả về người và tài sản) cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho chủ xe cơ giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam kết nối thành công vào hệ thống bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO