Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến ngày 31/10, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đã tạm ứng bồi thường hơn 434,4 tỷ đồng cho các khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 (bão Yagi).
Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận 103 trường hợp tử vong và thương tật của khách hàng. Tổng số tiền ước tính phải chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 21,25 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp. Hiên nay, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường là 416,7 tỷ đồng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Cục chưa ghi nhận được phản ánh nào của khách hàng về việc bồi thường chậm hoặc từ chối bồi thường khi có đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định tại Hợp đồng bảo hiểm.
Trước đó, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, ngày 25/9, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP.
Nghị quyết đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục, tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, bố trí nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn cho khách hàng bị ảnh hưởng thiệt hại về hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường; thiết lập, duy trì hoạt động đường dây nóng 24/7 để kịp thời tiếp nhận thông tin; khẩn trương phối hợp với các bên liên quan thực hiện giám định tổn thất, tạm ứng bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Ngày 23/10, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn số 11438/BTC-QLBH gửi các doanh nghiệp bảo hiểm về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP và đẩy nhanh quá trình giám định, xác định thiệt hại, đánh giá tổn thất, tạm ứng, bồi thường... đảm bảo việc bồi thường được nhanh chóng, đầy đủ, đúng quy định; từ đó hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do bão lũ sớm ổn định cuộc sống, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025 mới đây, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng: "chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi".
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, đang thiết kế lại dự thảo về bảo hiểm nông nghiệp, trình Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp.