Kết nối

Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm nước dẫn đầu ASEAN về tăng năng suất lao động

M.Đ 09/11/2023 16:00

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm; đưa Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ tiêu này.

Ngày 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030.

nang-suat-lao-dong.jpg
Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm

Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, trong đó; tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 - 7,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khu vực dịch vụ đạt 7,0 - 7,5%/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023 - 2030.

Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đạt dưới 30% vào năm 2020 và dưới 20% vào năm 2030.

Đồng thời, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và đạt khoảng 50% GDP vào năm 2030.

Tìm cơ chế, chính sách tạo động lực cải thiện năng suất lao động ở khu vực công

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chương trình đề ra nhiều giải pháp quan trọng.

Một là, nhóm giải pháp về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động.

Trong đó, một mặt củng cố và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Nghiên cứu các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặt khác, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong các lĩnh vực then chốt, các ngành trọng điểm nhằm tạo nền tảng ổn định, bền vững. Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hai là, nhóm giải pháp về hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm cải thiện năng suất lao động.

Trong đó, tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững và có lợi thế cạnh tranh; hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động kinh tế, lĩnh vực mới, mô hình sản xuất kinh doanh mới; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy liên kết, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Ba là, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

Cụ thể, tập trung vào lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế; nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam; thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động.

Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động về các yêu cầu, rào cản đối với cải thiện năng suất lao động và kiến nghị các giải pháp phù hợp; xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng hơn; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động; kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục đào tạo, coi người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Gắn kết chặt chẽ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đồng thời nghiên cứu, ban hành chính sách thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình giáo dục và đào tạo mới dựa trên nền tảng và công nghệ số; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật; huy động sự tham gia và phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cho chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo; nghiên cứu cơ chế, chính sách tạo động lực cải thiện năng suất lao động ở khu vực công.

Năm , phát triển mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cụ thể, chú trọng lồng ghép giải pháp tăng năng suất lao động vào các chương trình, cơ chế, chính sách xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp; xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển; phát huy vai trò của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp là trung tâm; xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các giải pháp sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động; chú trọng tới chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số.

Sáu , thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành. Trong đó, sẽ phát triển vùng và liên kết vùng hiệu quả. Hình thành không gian phát triển các tiểu vùng phù hợp trong từng vùng kinh tế - xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các tiểu vùng và từng địa phương trong vùng; hoàn thiện thể chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó sẽ hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Rà soát cơ cấu không gian phát triển công nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp trong nước; thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên; nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; hình thành các trung tâm dịch vụ mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics tại một số thành phố lớn; hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê để theo dõi, đánh giá diễn biến năng suất lao động gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Trước thực trạng nhiều năm không đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động, tại các phiên thảo luận và chất vấn của Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến phân tích nguyên nhân, thực trạng và tìm giải pháp để cải thiện vấn đề này. Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã đề cập đến 4 vấn đề quan trọng để tăng năng suất lao động, bao gồm: công nghệ đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, sẽ giúp các quốc gia để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; nguồn nhân lực chất lượng cao - đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động; kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển và năng suất lao động cao, thường tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm nước dẫn đầu ASEAN về tăng năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO