(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký rót vốn vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 đạt 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án và tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%; có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,60 tỷ USD, giảm 54,3%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 624 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 772,7 triệu USD và 1.231 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 832,9 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,65 tỷ USD, chiếm 72% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,28 tỷ USD, chiếm 13,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 691,1 triệu USD, chiếm 7,5%.

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 32,4%; các ngành còn lại đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 15,3%. Nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 6,49 tỷ USD, chiếm 47,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,25 tỷ USD , chiếm 38,4%; các ngành còn lại đạt 1,93 tỷ USD, chiếm 14,1%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 489 triệu USD, chiếm 30,4% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 290,7 triệu USD, chiếm 18,1%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 256,3 triệu USD, chiếm 16%; các ngành còn lại 569,6 triệu USD, chiếm 35,5%.

 

Trong số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,74 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 1,66 tỷ USD, chiếm 17,4%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 856,4 triệu USD, chiếm 9%; Trung Quốc 678,1 triệu USD, chiếm 7,1%; Hàn Quốc 573 triệu USD, chiếm 6%; Hoa Kỳ 300,6 triệu USD, chiếm 3,1%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ ; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng 10,8 lần so với cùng kỳ .

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 270,8 triệu USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 148,6 triệu USD, chiếm 27,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 76,9 triệu USD, chiếm 14,1%. Trong 6 tháng đầu năm có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 302,8 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư; Cam-pu-chia 89,2 triệu USD, chiếm 16,3%; Ca-na-da 32,1 triệu USD, chiếm 5,9%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, cùng chiếm 5,8%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020.  Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát.  

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 661,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,9%.

Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 660,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% và tăng 7,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% và tăng 6,7%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch năm và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 30,5% và tăng 20,5% ), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch năm và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 144,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2% và tăng 9%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,9% và tăng 11,9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% và tăng 4,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% và giảm 2,9%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thu hút hơn 15 tỷ USD vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO