Vấn đề - Nhận định

Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho dòng vốn FDI

Thanh Hải 08/08/2024 - 14:56

Những nền tảng cơ bản thuận lợi tạo cho Việt Nam vị thế của một điểm đến FDI rất tốt, vượt trội hơn các nước ASEAN khác. Nhờ đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa chuộng của các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Số liệu thống kê cho thấy, thương mại của Việt Nam tiếp tục phục hồi, với xuất khẩu trong tháng 7/2024 tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, dễ dàng vượt qua kỳ vọng của thị trường (HSBC: 11,7%, BBG: 13,5%). Đặc biệt, điện thoại và điện tử máy tính tiếp tục dẫn đầu, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng khác cũng cải thiện, mặc dù các diễn biến trên thế giới tiếp tục phần nào ảnh hưởng lên những lô hàng dệt may/da giày, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, FDI sản xuất không có dấu hiệu chậm lại. Tính từ đầu năm tới nay, FDI sản xuất đăng ký mới đã tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một số năm trước đây, trong đó: Bắc Ninh - một trung tâm điện tử lớn, thu hút hơn 30% tổng vốn đăng ký trong tháng 6/2024 và 7/2024.

bd-1.jpg

Trong báo cáo “Vietnam at a glance - FDI Phần 1: Điểm lại những yếu tố cơ bản”, vừa phát hành, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định, bối cảnh đầu tư toàn cầu đã dịch chuyển trước những diễn biến như thực thi Thuế tối thiểu Toàn cầu, việc thích nghi với bối cảnh đầu tư này có khả năng trở nên phức tạp hơn. Dẫu vậy, việc lùi một bước để dành thời gian đánh giá lại các yếu tố nền tảng của Việt Nam, ngay từ đầu đã là yếu tố thu hút một loạt công ty nước ngoài đến đây.

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã vươn mình trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ năm 2027 đến nay, xuất khẩu đã tăng bình quân hơn 13%/năm, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

bd-2.jpg

Từ trước tới nay, các dòng vốn FDI chủ yếu đến từ Hàn Quốc, đáng chú ý nhất là của Samsung. Kể từ khi Samsung thành lập nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008 tới nay, hơn một nửa sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD. Nỗ lực của những doanh nghiệp thâm nhập thị trường sớm này đã khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn khác đầu tư vào năng lực sản xuất của Việt Nam. Năm 2023, các công ty sản xuất Trung Quốc hàng đầu đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.

HSBC cho biết, sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI. So sánh chi phí lao động ở châu Á, mức lương nhân công sản xuất ở Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc và các quốc gia khác, dù người dân Việt Nam có trình độ giáo dục phổ thông vững vàng, thể hiện qua kết quả khảo sát PISA của Việt Nam ở mức cao.

bd-3.jpg

Các chi phí khác, chẳng hạn như năng lượng cần thiết cho vận hành nhà máy, ở Việt Nam cũng cạnh tranh. Khi so sánh giá điện cho kinh doanh, Việt Nam thấp thứ hai so với các quốc gia khác, mặc dù những thay đổi gần đây khiến thời gian điều chỉnh giá điện rút ngắn hơn có thể ảnh hưởng đến tình hình hiện tại. Trong khi đó, dầu diesel - vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, cho thấy một lợi thế cạnh tranh về giá.

Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhờ vậy, những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở nên ngày càng cởi mở hơn với FDI, theo OECD.

“Một phần nguyên nhân của môi trường đầu tư thuận lợi có thể lý giải là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu”, HSBC đánh giá.

Tuy nhiên, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, các chuyên gia của HSBC cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này, ví như, so với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỷ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.

Mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng nhưng sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Không chỉ vậy, thiếu hụt lực lượng lao động có chuyên môn cũng đang ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như logistics và vận tải hàng hải.

bd-5.jpg

Điều đáng khích lệ là đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp thâm nhập vào Việt Nam. Năm 2022, Samsung thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn. Trong khi đó, Apple cũng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.

Các yếu tố bên cạnh cân nhắc về thuế, chẳng hạn như chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước. Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cũng như tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam vẫn là điểm đến ưa chuộng cho dòng vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO