Vietcombank hiện thực hóa các giá trị văn hóa thành hành động

H.H| 29/09/2021 15:39
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong những năm qua, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, trong đó có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã quan tâm chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp được gắn với mục tiêu, phương hướng và tầm nhìn chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ kinh doanh từ đó hình thành những nét văn hoá đặc trưng tạo nên thương hiệu bản sắc, truyền thống riêng của ngân hàng.

Lấy văn hoá là nền tảng của thương hiệu

Cùng với sự phát triển của công nghệ và thực tế toàn cầu hoá, khoảng cách về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được làm mờ giữa các quốc gia. Lợi thế cạnh tranh tuyệt đối đã nhường chỗ cho lợi thế cạnh tranh tương đối, lợi thế so sánh và cuối cùng là lợi thế cạnh tranh động. Con người là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh cạnh tranh động. Thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty. Cách hành xử ứng xử phụ thuộc vào cách những con người ấy tư duy. Cách tư duy phụ thuộc vào văn hoá của công ty, của đất nước ấy. Chính vì thế văn hoá là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đại diện tổ công đoàn các phòng/ban/trung tâm tại TSC ký cam kết thể hiện, ứng dụng 5 giá trị văn hoá vào trong công việc hàng ngày của các đơn vị

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là những hình thức biểu tượng hay nghi lễ, nó còn là hệ giá trị của tổ chức và là nền tảng thiết lập nên những nguyên tắc vận hành tổ chức. Có nhiều định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp hay còn gọi là văn hóa tổ chức. Về mặt cơ bản, văn hoá doanh nghiệp là tập hợp các nguyên tắc ứng xử và quy định để huy động hiệu quả các nguồn lực nội bộ để thực thi được chiến lược và kế hoạch của công ty. Văn hoá doanh nghiệp là cách các thành viên của doanh nghiệp tương tác với nhau và tương tác với đối tượng hữu quan của doanh nghiệp và là mô hình để định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn, kiểm soát hành vi của tất cả thành viên của tổ chức.

Ngày nay NHTM trở thành định chế tài chính không thể thiếu để vận hành nền kinh tế, riêng hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước còn được coi là “cánh tay đắc lực” của Chính phủ trong thực thi chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, trong những năm qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các NHTM đã quan tâm chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt đời sống văn hóa cơ sở.

Là ngân hàng chủ lực trong hệ thống các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank được ra đời, phát triển song song với lịch sử đấu tranh dành độc lập và xây dựng đất nước. Trải qua 57 năm, những thành tích, uy tín thương hiệu của ngày hôm nay mà VCB có được chính là nhờ tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị của các thế hệ lãnh đạo mà đặc biệt đó là các giá trị về mặt tư tưởng, văn hoá được bảo tồn, phát huy, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của người Vietcombank.

Xác định phát triển con người là nền tảng của phát triển văn hóa

Để có thể truyền thông sâu rộng về các giá trị văn hóa Vietcombank đến đông đảo cán bộ nhân viên, Vietcombank đã xác định mục tiêu chiến lược là xây dựng được một hệ thống Truyền thông nội bộ kết nối toàn ngân hàng một cách thông suốt và hiệu quả giúp trao đổi, giao tiếp, chia sẻ thông tin thông suốt, phản hồi đa chiều. Tạo môi trường để những CBNV của Vietcombank hiểu, thấm nhuần và đưa được 5 bản sắc văn hoá (Tin cậy – Chuẩn mực – Sẵng sàng đổi mới – Bền vững và Nhân văn) vào công việc, cuộc sống hướng tới việc tự ý thức, chủ động giao lưu, kết nối, chia sẻ thông tin, qua đó, tăng cường sự gắn bó, xây dựng khối đoàn kết của Vietcombank.

Hiện thực hóa chiến lược truyền thông nội bộ bằng hành động, Vietcombank đã triển khai các hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Vietcombank. Tiêu biểu có thể kể đến là Ngày hội Văn hóa Vietcombank - là hoạt động kết nối đầu tiên trong khuôn khổ của Dự án truyền thông nội bộ Vietcombank được triển khai thí điểm đồng thời tại 4 địa điểm là Trụ sở chính, các chi nhánh: Sở giao dịch, Đà Nẵng và TP HCM.

Bên cạnh việc triển khai hoạt động truyền thông văn hóa doanh nghiệp 1 cách có chiến lược, Vietcommbank đã xác định đúng đắn tầm ảnh hưởng lớn trong nội bộ của các tổ chức đoàn thể như: đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, đối với những chính sách quan trọng của doanh nghiệp nói chung và trong việc truyền thông, xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp nói riêng.

Theo đó, Đảng bộ Vietcombank đã trực tiếp chỉ đạo triển khai rất nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh việc giữ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Vietcombank, tiêu biểu là Hội thi “Văn hoá Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh”, tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và hệ thống Vietcombank. Các đội thi đã mang đến Hội thi những phần thi hấp dẫn, sáng tạo được dàn dựng công phu thể hiện đúng tinh thần và ý nghĩa của Hội thi, truyền tải sinh động và sâu sắc những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh được thấm nhuần trong 5 chuẩn mực văn hoá Vietcombank. Đặc biệt trong năm 2021, Đảng bộ Vietcombank đã ban hành  Nghị Quyết về xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Vietcombank trong bối cảnh CMCN lần thứ 4 và Nghị Quyết về khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa và con người Vietcombank, điều này càng cho thấy rõ quan điểm chỉ đạo của đảng về việc xác định các giá trị truyền thống và văn hóa cốt lõi của Vietcombank là nền tảng; ý chí, khát vọng là động lực, là sức mạnh quý báu cho sự phát triển bền vững của Vietcombank.

Các tiết mục trong Hội thi “Văn hoá Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh” được dàn dựng công phu

Các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên Vietcombank cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng các tiêu chí văn hoá Vietcombank; tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện văn hoá doanh nghiệp với rất nhiều hoạt động sáng tạo và mang đến các hiệu quả thiết thực. Thông qua các hoạt động tích cực chăm lo tinh thần của công đoàn, các hoạt động xung kích – sáng tạo của đoàn thanh niên như tổ chức các cuộc thi về văn hóa Vietcombank, tạo ra nhiều diễn đàn bổ ích cho đoàn viên …các cán bộ, đoàn viên thanh niên Vietcombank đã có thêm thông tin, hiểu rõ hơn về giá trị của văn hoá tổ chức để từ đó chủ động, tự giác thực hiện văn hóa Vietcombank một cách tự nguyện, tự nhiên, trở thành thói quen hàng ngày trong thực hiện công việc, cuộc sống và lan tỏa văn hóa Vietcombank.

Xác định phát triển con người là nền tảng của phát triển văn hóa, Vietcombank đã không ngừng chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo. Đặc biệt là công tác khảo thí đã hoàn thành tốt mục tiêu giúp cán bộ hệ thống hóa lại kiến thức chuyên ngành, tăng cường trao đổi giải đáp vướng mắc, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phát hiện những cá nhân xuất sắc, những cán bộ tiềm năng để có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển cho tương lai. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học của Vietcombank trong những năm gần đây đã được đổi mới và chuyển biến cả về chất và lượng. Những đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần kiến tạo môi trường sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động của các đơn vị trong hệ thống, khuyến khích người lao động say mê, tìm tòi, nghiên cứu, góp phần vào hoạt động đổi mới quản trị điều hành cũng như hiệu quả kinh doanh của Vietcombank.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông văn hóa doanh nghiệp mang tính chất toàn hệ thống, các đơn vị, chi nhánh Vietcombank cũng tích cực triển khai những hoạt động ở cơ sở như: hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động; câu lạc bộ, thư viện, hoạt động thể thao, vui chơi giải trí... gắn liền với các giá trị văn hóa của Vietcombank. Với các hoạt động thiết thực là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được các chi nhánh duy trì nhiều năm qua nhằm tạo động lực để CBNV gắn bó, hăng say lao động và phấn đấu hoàn thành công việc được giao thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ban lãnh đạo, Ban Giám đốc Chi nhánh đối với đời sống tinh thần của người lao động.

Phát huy bản sắc nhân văn là “Trọng đức, gần gũi, biết thông cảm và sẻ chia”, Vietcombank luôn dành sự quan tâm đặc biệt cùng tâm huyết và những đóng góp thiết thực cho công tác ASXH.. Hàng năm, bằng sự đóng góp của gần 18 nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động Vietcombank dành hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình ASXH. Trọng tâm mà Vietcombank hướng tới là các lĩnh vực y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh… Đặc biệt quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hải đảo… Kể từ khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 tới nay, Vietcombank đã và đang chung tay phòng chống dịch bệnh với gần 350 tỷ đồng đã giải ngân cho các chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Những nỗ lực của Vietcombank trong việc đẩy mạnh phát huy văn hóa doanh nghiệp đã đem lại những kết quả tốt đẹp. Vietcombank duy trì vị thế dẫn đầu trong 5 năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam.Với việc lan tỏa văn hóa Vietcombank xuyên suốt, các CBNV của Vietcombank cũng chính là những đại sứ thương hiệu, luôn là những người không ngừng ca ngợi về văn hóa tuyệt vời của Vietcombank đặc biệt mỗi cá nhân trong đều cảm thấy mình là một phần của tầm nhìn phát triển chung. Điều này đã được thể hiện rõ trong kết quả khảo sát mức độ gắn kết của nhân viên (EES) năm 2019. Theo đó, kết quả EES của Vietcombank tăng toàn hàng ở mức gần 95% trong khi Top 10 nơi làm việc tốt nhất thế giới và tại Mỹ có điểm đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên ở mức 88% đến 97% trong năm 2020 .

Trong nhiều năm qua, phong cách, tác phong giao dịch và đạo đức của cán bộ ngân hàng Vietcombank đã được khách hàng ghi nhận. Khách hàng đến và gắn bó với Vietcombank không chỉ bởi những sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt và phù hợp mà còn bởi từ phẩm chất của cán bộ Vietcombank, con người Vietcombank với những giá trị văn hoá đã được ngấm và biến thành hành động thực tế hằng ngày.

Rõ ràng, một chiến lược hay thì cần một nền văn hóa tốt, điều đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình. Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vietcombank hiện thực hóa các giá trị văn hóa thành hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO