(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, với vị thế của ngân hàng số 1 Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã luôn chủ động quán triệt và thực hiện quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), nêu tấm gương điển hình trong toàn Đảng bộ Khối DNTW và ngành Ngân hàng…
Từ Nghị quyết, chính sách của Đảng…
Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực.
Theo đó, căn cứ báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, một số điểm chính được Bộ Chính trị kết luận là:
Thứ nhất, 5 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 10, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác PCTN, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về PCTN, lãng phí được nâng lên; từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Thứ hai, để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận 10; gắn bó chặt chẽ PCTN với phòng, chống tiêu cực; tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Vietcombank - Quán triệt thực hiện tốt “3 không”
Luôn xác định công tác PCTN là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank đã chủ động chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ và các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả việc quán triệt và truyền thông sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động về các chủ trương của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, của ngành Ngân hàng và các cấp ủy Đảng cấp trên về công tác PCTN. Trong đó, quán triệt sâu sắc việc thực hiện “3 không”.
Từ “không thể”
Để hạn chế các phần tử cơ hội, kẻ xấu lợi dung kẽ hở để thực hiện hành vi tham nhũng, Vietcombank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban lãnh đạo đối với công tác PCTN, theo đó, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động, Đảng ủy và Ban chấp hành Đảng bộ Vietcombank đã ban hành nhiều chương trình/kế hoạch cụ thể.
Trong công tác quản trị, điều hành, Vietcombank đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp như Chủ tịch HĐQT – Trưởng Ban chỉ đạo PCTN và tội phạm của Vietcombank đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác PCTN, tiêu cực và tội phạm.
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng và Ban lãnh đạo đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và quyết tâm hành động trong toàn thể CBNV.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Vietcombank đã ban hành và triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về Quy chế tài chính, Quy chế đầu tư, trong đó quy định chặt chẽ về việc quản lý vốn và tài sản, quản lý chi tiêu; phân cấp thẩm quyền về đầu tư, mua sắm tài sản; xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ nhằm đảm bảo chặt chẽ và công khai, minh bạch trong thực hiện, phù hợp với tình hình thực tiễn và cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng.
Tại trụ sở chính đã thành lập Ban mua sắm và quản lý tài sản nhằm quản lý tập trung việc mua sắm, đấu thầu, quản lý tài sản tại Vietcombank; đồng thời làm đầu mối quản lý việc thuê, mua trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch tại Vietcombank; các quy định, quy trình thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ thường xuyên được rà soát, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc thực hiện tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần tiết kiệm thời gian cũng như chi phí của quá trình phê duyệt và xử lý hồ sơ.
Trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư mua sắm tài sản, Vietcombank luôn thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Công tác rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản nội bộ trong công tác PCTN cũng được Vietcombank chú trọng và thường xuyên thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
Không chỉ với trụ sở chính, Ban lãnh đạo Vietcombank cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị/chi nhánh trong hệ thống thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình về quản lý, chỉ đạo điều hành đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, xây dựng cơ bản…
Thứ ba, tiến hành cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Vietcombank áp dụng phương thức thanh toán, chi trả các khoản lương và thu nhập có tính chất lương của toàn thể CBNV qua tài khoản mở tại Vietcombank, góp phần đảm bảo tính minh bạch trong thu nhập và thực hiện PCTN. Trong công tác quản lý, điều hành hoạt động, Vietcombank từng bước áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt nhất trong hoạt động quản trị ngân hàng. Vietcombank chú trọng áp dùng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch, thực hiện quy định về giao dịch một cửa, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, góp phần phòng ngừa các hành vi tham nhũng có thể xảy ra.
Tất cả các nội dung trên cùng những quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, đã góp phần hạn chế tối đa việc lợi dụng các kẽ hở để thực hiện hành vi tham nhũng để những phần tử cơ hội “không thể” thực hiện được các hành vi tham nhũng.
… đến “không dám”…
Theo các nhà tội phạm học, biện pháp khiến cho kẻ tham lam không dám tham nhũng là buộc họ phải đối mặt với nguy cơ “thân bại, danh liệt”, bị mất tất cả nếu tay dám “nhúng chàm”. Tại Vietcombank đã triển khai xây dựng và thực thi hàng loạt biện pháp, chế tài để các phần tử cơ hội “không dám” thực hiện hành vi tham nhũng.
Thứ nhất, thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn doanh nghiệp. Đảng ủy Vietcombank đã ban hành Quyết định số 747-QĐ/ĐU “Quy chế về việc Bí thư Đảng ủy Vietcombank tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân” để tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, trong toàn Đảng bộ Vietcombank. Đây được xem như là một biện pháp cảnh báo, răn đe mạnh mẽ đối với những phần tử xấu, cơ hội đang có dấu hiệu manh nha tham nhũng bởi việc tiếp nhận thông tin đầu vào từ quần chúng và nhân dân luôn có “độ mở” lớn, luôn khiến cho kẻ xấu phải e ngại, chùn bước…
Thứ hai, thường xuyên thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, người lao động, người có chức vụ, quyền hạn. Tại Vietcombank luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, kỷ luật cán bộ,… nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, nêu cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác PCTN, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và quyết tâm hành động PCTN trong toàn thể CBNV nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Vietcombank là ngân hàng minh bạch, hiệu quả và bền vững. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và nâng cao hiệu quả của công tác PCTN.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra và phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định nội bộ nhằm phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời những tồn tại, sai sót, vi phạm; đề xuất các giải pháp khắc phục và hình thức xử lý phù hợp đối với những tồn tại, sai sót, vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thực hiện công tác PCTN hiệu quả tại các đơn vị. Vietcombank cũng chủ động nghiên cứu xây dựng các nguyên tắc phân tích dữ liệu và phát hiện sớm các trường hợp giao dịch bất thường để có biện pháp sàng lọc, cảnh báo, quản trị rủi ro. Bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Vietcombank đã tổ chức kiểm tra định kỳ kết hợp với kiểm tra đột xuất, giúp phát hiện cảnh báo sớm, ngăn chặn các rủi ro trong kinh doanh. Thông qua công tác tự kiểm tra của các đơn vị và hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Vietcombank cũng như kết quả công tác thanh tra, kiểm toán của các cơ quan bên ngoài như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra NHNN..., cho thấy trong 2 năm trở lại đây, Vietcombank không phát sinh các trường hợp/vụ việc phải xử lý.
Cán bộ, đảng viên, người lao động luôn có ý thức rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; có thái độ tôn trọng khách hàng, tận tâm, tận lực phục vụ khách hàng, được khách hàng tin tưởng. Ban cạnh đó, khi thực hiện kê khai bổ sung lý lịch hàng năm, CBNV luôn được quán triệt về nội dung “Đánh giá việc tuân thủ Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của CBNV Vietcombank (COC).
Thứ tư, quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN. Vietcombank đã ban hành các văn bản quy định vai trò của người đứng đầu, quy định nguyên tắc cấp trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động; Thực hiện cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, tham nhũng tại các đơn vị. Trong xử lý sai phạm, Vietcombank kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý mạnh tay, dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm; thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; PCTN và tội phạm. Tất cả các biện pháp nói trên chính là các rào cản, là cảnh báo sớm, là chế tài xử lý rất nặng, để cho các phần tử xấu và cơ hội “không dám” thực hiện các hành vi tham những, ngay cả khi đó chỉ là trong suy nghĩ chứ chưa nói đến hành động.
… và không cần.
Với các nước tiên tiến trên thế giới, để người lao động “không cần” tham nhũng, điều kiện tối thiểu là cung cấp cho họ thu nhập/mức lương đủ để hồi phục sức lao động cho bản thân, nuôi sống gia đình và có tiền tiết kiệm.
Đối với Vietcombank, để CBNV, người lao động yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến, ngân hàng đã xây dựng một môi trường làm việc hướng đến chỉ số hạnh phúc cao, một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp. Tại các phòng/ban/trung tâm tại TSC và các chi nhánh Vietcombank có đưa ra những giờ hạnh phúc và ngày hạnh phúc. Thời điểm đó, CBNV tạm gác lại những bề bộn, lo toan của công việc, cuộc sống, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về gia đình, đồng nghiệp, lối sống, sở thích… giúp mọi người thêm hiểu nhau, đoàn kết, gắn bó và tương hỗ hơn trong công việc. Đây là điều mà không phải tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam có thể thực hiện.
CBNV Vietcombank luôn tự hào khi được làm việc tại ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam. Nhiều tổ chức, đơn vị thông qua khảo sát độc lập của mình đã đánh giá thu nhập của CBNV Vietcombank luôn nằm trong top số 1, 2 các ngân hàng Việt Nam…
Cũng tại Vietcombank, chính sách lương/thưởng, cơ chế thi đua – khen thưởng luôn thể hiện rõ ràng, công khai, minh bạch tạo động lực cho CBNV phấn đấu và nỗ lực trong hành trình khẳng định chính mình. Bên cạnh đó, Vietcombank còn đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, giáo dục. Đảng ủy Vietcombank luôn chú trọng, tăng cường vai trò giám sát của chi bộ trong quản lý, giáo dục nhận thức về công tác PCTN; đề cao, quán triệt thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị trong công tác PCTN nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN; gắn công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí với các hoạt động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, cán bộ và người lao động...
Với truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp thế hệ CBNV, người lao động Vietcombank luôn tự hào về lịch sử vẻ vang cùng những đóng góp của ngân hàng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ việc góp người, góp của cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến những việc làm “thầm lặng”, hóa giải những biện pháp phong tỏa/cấm vận Việt Nam của đế quốc Mỹ và những thành tích vượt bậc trong giai đoạn đất nước chuyển mình, đổi mới và phát triển, hội nhập kinh tế - quốc tế sâu rộng. Với vị thế và vai trò của ngân hàng dẫn đầu, ngân hàng số 1 Việt Nam, tin chắc rằng những lợi ích vật chất sẽ không thể “cám dỗ”, hay lay chuyển được tinh thần, ý chí và nghị lực của “người Vietcombank”.
Và như vậy, có thể khẳng định Vietcombank đã thành công trong công tác PCTN, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, môi trường doanh nghiệp…, cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân, khách hàng, bạn hàng trong và ngoài nước đóng góp, dựng xây đất nước để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới.