(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xác định tái cơ cấu toàn diện là yêu cầu hết sức cấp bách với 3 trụ cột gồm tái cơ cấu tài chính công ty mẹ, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu các khoản đầu đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
|
3 trụ cột tái cơ cấu
Được biết, từ năm 2020 đến nay, Vietnam Airlines cũng như nhiều hãng hàng không khác trong nước và trên thế giới đều gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Từ tháng 3/2020, hãng đã phải ngừng tất cả các đường bay quốc tế thường lệ, chỉ còn khai thác các chuyến chở khách hồi hương hoặc kết hợp chở hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Số chuyến bay giảm mạnh khiến cho lượng khách vận chuyển năm 2020 chỉ đạt 14,1 triệu lượt khách (giảm 38,3% so với 2019), dẫn tới doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines giảm hơn nửa so với 2019 và tạo ra khoản lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất là 11.178 tỷ đồng và trên báo cáo tài chính công ty mẹ là 8.754 tỷ đồng.
Để vượt qua khó khăn, Vietnam Airlines xác định việc tái cơ cấu toàn diện là yêu cầu hết sức cấp bách xuất phát từ chính nhu cầu nội tại nhằm khắc phục những thiệt hại nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra. Chia sẻ với thitruongtaichinhtiente.vn, đại diện Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty nhận thức phải tự thay đổi, hoàn thiện để thích ứng với những biến động không ngừng của môi trường kinh doanh, đặc biệt sau đại dịch, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Theo đó, tái cơ cấu là nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai đồng bộ, toàn diện và quyết liệt trong toàn bộ hệ thống. Vietnam Airlines đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Phương án cơ cấu lại tổng thể giai đoạn 2021- 2025, điều chỉnh, bổ sung để thực hiện đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ khi ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Đề án sau điều chỉnh, bổ sung đang trong quá trình hoàn thiện để báo cáo cơ quan chủ sở hữu thông qua làm cơ sở triển khai.
Các nội dung của phương án tái cơ cấu Vietnam Airlines đang xây dựng gồm: tái cơ cấu tài chính công ty mẹ, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, tái cơ cấu các khoản đầu đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Thông tin từ người đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, đến thời điểm này công tác tái cơ cấu toàn diện đã đạt được một số kết quả.
Về tái cơ cấu toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines đã tích cực triển khai, chủ động tổ chức lại sản xuất, thay đổi quy trình công việc nội bộ, tinh giản bộ máy và bố trí lao động phù hợp với quy mô sản xuất nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, rà soát, cắt giảm triệt để ngân sách/chi phí đặc biệt là các khoản chi phí cố định, chi phí nhân công đồng thời triển khai đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán... Tất cả nhằm mục tiêu giảm chi tiền để giảm áp lực lên cân đối dòng tiền.
Đáng chú ý, nhóm giải pháp tái cơ cấu tổ chức, nhân lực, lao động, tiền lương đã được triển khai nhanh và quyết liệt. Vietnam Airlines đã cắt giảm 4 đầu mối cấp ban, đơn vị của tổng công ty và 70 đầu mối cấp phòng ở cơ quan, đơn vị; tiếp tục hướng đến giảm thêm 21-26 đầu mối trong những năm tới. Tổng công ty vẫn quan tâm đến việc đào tạo, cơ chế chính sách để duy trì lực lượng lao động có kỹ năng sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh.
Về tái cơ cấu tài chính, Vietnam Airlines xây dựng định hướng và giải pháp tài cơ cấu tài chính để khôi phục tiềm lực tài chính, gồm: giải pháp về tăng vốn chủ sở hữu, tái cơ cấu nợ và nợ vay, tái cấu trúc tài sản - nguồn vốn. Theo đó, Vietnam Airlines đã hoàn thành tái cơ cấu một số khoản nợ vay dài hạn, trong năm 2020 đã hoàn thành bán 3 máy bay cũ A321 CEO theo định hướng về đổi mới đội bay; báo cáo cổ đông về giải pháp cho vay và phát hành cho cổ đông hiện hữu tăng vốn cổ phần.
Về tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Vietnam Airlines đã nghiên cứu, xây dựng, đề xuất phương án tái cơ cấu toàn diện các doanh nghiệp thành viên để có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ, đồng thời mang lại nguồn tiền từ hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp để bù đắp lỗ lũy kế, cải thiện dòng tiền và tạo nguồn cho kế hoạch đầu tư phát triển. Vietnam Airlines đã tổ chức nghiên cứu, báo cáo đề xuất lên Ủy ban Quản lý vốn phương án tái cơ cấu/chuyển nhượng vốn tại một số doanh nghiệp thành viên và sẽ triển khai ngay sau khi có được phê duyệt chủ trương đảm bảo mục tiêu thu hồi vốn, bổ sung dòng tiền, gia tăng thu nhập, xóa lỗ lũy kế.
4.000 tỷ đồng vay ưu đãi từ các NHTM
Thông tin về khoản vay ưu đãi, kế hoạch sử dụng và hoàn trả khoản vay, Vietnam Airlines cho biết Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines với tư cách là cổ đông Nhà nước chi phối, nắm giữ trên 86% cổ phần tại Vietnam Airlines. Khoản vay 4.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay theo quy trình thẩm định và có tài sản thế chấp.
Hiện nay, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 TCTD và bắt đầu tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines từ đầu tháng 7/2021.
Đối với gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ thống nhất với các ngân hàng thương mại về mục đích sử dụng vốn vay. Theo dự kiến, Vietnam Airlines sẽ chỉ sử dụng để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân. Các nội dung thanh toán sẽ được ưu tiên gồm: chi trả tiền thuê máy bay; sửa chữa bảo dưỡng máy bay và các khoản nợ của các nhà cung ứng dịch vụ tại sân bay.
Vietnam Airlines nhấn mạnh gói hỗ trợ này các ngân hàng thương mại cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi, chứ không phải lãi suất là 0%, phần chênh lệch lãi suất này không phải “cho không” Vietnam Airlines mà sẽ tính vào phần vốn góp của nhà nước trong Vietnam Airlines.
Về việc tính toán vốn hóa phần chênh lệch chi phí lãi vay sẽ được thực hiện sau 3 năm khi kết thúc chương trình vay cấp vốn.
“Chúng tôi sẽ tính toán cụ thể con số chênh lệch và sẽ báo cáo phương án xử lý lên các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện. Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông của Vietnam Airlines, phương án xử lý chênh lệch lãi vay của các cổ đông khác sẽ được thực hiện theo đúng phương án xử lý chêch lệch lãi vay của cổ đông nhà nước sau khi được Chính phủ phê duyệt” – đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Bao giờ Vietnam Airlines có lãi trở lại?
Một điều được giới đầu tư và dư luận quan tâm là sau phát hành tăng vốn và hỗ trợ thanh khoản, tình hình tài chính của Vietnam Airlines sẽ được cân bằng như thế nào và bao giờ hãng sẽ có lãi trở lại? Về việc này, Vietnam Airlines cho biết việc được hỗ trợ vay tái cấp vốn cùng với phát hành cổ phần tăng vốn sẽ giúp hãng bù đắp một phần thâm hụt vốn chủ sở hữu, bù đắp thâm hụt dòng tiền, thanh toán các khoản nợ quá hạn, trả nợ vay ngắn hạn và bổ sung thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, sẽ giúp Vietnam Airlines giải tỏa áp lực dòng tiền và thanh khoản và cải thiện một số hệ số tài chính.
Tuy nhiên theo dự báo của IATA, ngành hàng không thế giới đến năm 2023 mới hồi phục như trước dịch COVID-19, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines cần 2-3 năm để phục hồi.
Bên cạnh các giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính là vận tải hàng không, Vietnam Airlines sẽ triển khai lập phương án tái cơ cấu tổng thể cho cả giai đoạn 2021-2025, trong đó bao gồm đề án tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu danh mục đầu tư và tái cấu trúc tài sản nhằm bổ sung thu nhập và dòng tiền giúp hãng đứng vững, vượt qua khủng hoảng, khôi phục tiềm lực tài chính và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
Với tình hình dịch bệnh kéo dài, sự phục hồi của Vietnam Airlines cũng như ngành hàng không có thể tiếp tục cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các đối tác, bạn hàng.
Được biết, năm 2020, để hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khó khăn, Chính phủ các nước đã hỗ trợ trên 200 tỷ USD dưới nhiều hình thức như: hỗ trợ trực tiếp (cho vay, bơm tiền, tài trợ bằng vốn chủ sở hữu…), trợ cấp lương, các khoản vay bảo đảm và giảm thuế, phí.... Trong năm 2021, các Chính phủ tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Thống kê đến hết tháng 3/2021, tổng mức hỗ trợ đã tăng lên 227 tỷ USD.