Sắc đỏ được tạo ra cuối phiên sáng nay là một bài test với lượng cổ phiếu "khủng" đã bị chốt lời trong ngày thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, phiên chiều đã không tạo ra thất vọng khi chỉ số VN-Index triệt tiêu hết gần 30 điểm thiệt hại.
Định vị thị trường
Chứng khoán thế giới và châu Á có thể đã điều chỉnh trước thị trường Việt Nam. Nhưng trong một vài phiên gần đây, các nỗ lực hồi phục đã xuất hiện sớm. Đêm qua, S&P 500 tăng 0,69%, còn NIKKEI 225 (+1,05%) cũng tăng điểm mạnh mẽ trong phiên hôm nay.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi đã chịu áp lực từ các thông tin kém tích cực về các nhà phát triển bất động sản hàng đầu cũng có một phiên hồi phục khá tốt. SHCMP tăng 0,88%, còn CSI 300 tăng 0,77%.
Các diễn biến khởi sắc của chứng khoán thế giới đang giúp hóa giải phần nào tâm lý thị trường Việt Nam, đặc biệt ở thời điểm rất nhạy cảm như phiên chiều nay với lượng cổ phiếu "khủng" đổ về tài khoản nhà đầu tư.
Chất xúc tác
Tỷ giá đã không có dấu hiệu leo thang căng thẳng thêm, thay vào đó, đang là sự hạ nhiệt trong các phiên gần đây. So với phiên hôm qua, tỷ giá trung tâm đã giảm tiếp 11 đồng xuống 23.886 VNĐ/USD.
Vì vậy, nỗi lo của nhà đầu tư nội cũng được xoa dịu đi đáng kể. Dù vậy, cần lưu ý tới hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài khi họ đột ngột chuyển trạng thái bán ròng 726 tỷ đồng trên HOSE. Trong 3 phiên gần nhất, khối ngoại đều mua ròng trên sàn. Theo thống kê, đóng góp 2 chiều mua, bán của khối này chiếm 8,7% giá trị toàn sàn.
Vận động nhóm ngành
Thế giảm điểm của phiên sáng nay thực tế là một bài test khi 1,64 tỷ cổ phiếu của phiên ngày 18/8 về tài khoản nhà đầu tư trong phiên chiều. Với lượng cung tiềm năng ra thị trường lớn, nhưng rốt cuộc các tài khoản đã không xả tiếp dù cho các cổ phiếu lớn như VIC (-1,98%), VCB (-1,56%) liên tục tạo sức ép.
Rổ VN30 dù vắng đi các trụ cột về vốn hóa nhưng vẫn tìm lại sắc xanh khi có 15/30 mã tăng giá. Các cổ phiếu SSI (+6,4%), SSB (+6%) tăng tốc về cuối phiên, trong khi MWG (+2,04%) đảo chiều tăng giá, VJC (+1,4%), GAS (+1,2%), STB (+1,1%), TCB (+1,1%) cùng tăng trên 1%.
VN30 đóng góp 43% giá trị giao dịch toàn HOSE, trong đó riêng SSI giao dịch đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Các cổ phiếu kế tiếp đều là VN30 như STB (1.031 tỷ đồng), HPG (902 tỷ đồng).
Dù có thể sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng VN30 nhưng đây là những nền móng quan trọng giúp thị trường tạo nền trước khi tính đến sự hồi phục.
Khi đã có VN30 khởi sắc, bức tranh thị trường chung cũng không còn mang màu sắc u ám. Sắc xanh đã cải thiện trong cả phiên, số lượng các mã tăng đạt 220 mã, chiếm 42% số mã trên HOSE.
Ở nhóm bất động sản, TCH, HHS tăng trần, trong khi PDR (+0,98%), DXG (+0,79%) cũng hồi phục nhẹ. Với nhóm bán lẻ, DGW cũng tăng trần. Còn với các cổ phiếu nông nghiệp như DBC (+5,4%), HAG (+4,9%) biên độ hồi phục cũng rất tốt. Với cổ phiếu khu công nghiệp đó là KBC (+4,67%), trong khi với cổ phiếu Nhiệt điện là TV2 (+6,93%).
Trường hợp TV2 có thể được xem là điển hình do xuất hiện kỳ vọng về việc triển khai các dự án nhiệt điện than trong thời gian tới. Đây là chất xúc tác quan trọng giúp cho TV2 có thể đi ngược thị trường chung trong các phiên gần đây.
Cũng nhờ có câu chuyện hỗ trợ, các cổ phiếu chứng khoán có được sức đề kháng mạnh hơn thường thấy. Trong chiều qua đã diễn ra cuộc họp triển khai KRX và việc SSI tăng mạnh không phải là sự ngẫu nhiên. Các mã VCI (+5,2%), CTS (+3,7%), VIX (+3,7%), BSI (+3,2%), VND (+2,7%) và SHS (+5,1%), MBS (+4%) trên HNX đều thể hiện được sự đồng thuận.
VN-Index chốt phiên tăng 0,06% lên 1.180,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch sàn đạt 1.055 triệu đơn vị, tương đương 21.711 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index đạt được trạng thái hồi phục về cuối phiên, lần lượt tăng 0,71% và 0,01%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.