Chứng khoán

VN-Index đảo chiều giảm điểm, khối ngoại quay lại “xả” hàng

Q.L 06/06/2024 - 16:55

Tâm lý thận trọng bao trùm khiến thị trường có phiên giao dịch ảm đạm với thanh khoản suy yếu. Áp lực chốt lời về cuối phiên khiến VN-Index mất mốc tham chiếu, bất chấp lực cầu tìm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.

vnindex_2024-06-06_16-47-01(1).png
Diễn biến VN-Index

VN-Index ghi nhận sắc xanh cùng với sự phân hóa ngay từ đầu phiên sáng nay (ngày 6/6) để tiến lên trở lại khu vực đỉnh cũ quanh 1.295 điểm với sự đóng góp tư việc tăng điểm của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có thể kể đến như SAB, VCB, BCM.

Tuy nhiên tâm lý thận trọng tại vùng đỉnh được thể hiện khá rõ ràng thông qua việc thanh khoản có phần sụt giảm và chỉ đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng khi tính đến hết phiên giao dịch sáng.

Diễn biến rung lắc và áp lực bán liên tục xuất hiện về gần cuối phiên chiều khiến cho thị trường đảo chiều giảm điểm nhanh chóng và giảm dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tìm đến nhiều cổ phiếu ngân hàng giúp giữ nhịp cho chỉ số chung như TCB, STB, BID.

Đáng chú ý, SHB bất ngờ có phiên khớp lệnh cao nhất trong gần 2 tháng qua với hơn 69,3 triệu đơn vị và dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Đóng cửa, SHB tăng 2,6%.

Nhóm tài chính – ngân hàng và HPG là những cổ phiếu thanh khoản cao nhất trong rổ VN30, với CTG, ACB, TPB, SSI, MBB, TCB, VPB.

Dù dòng tiền vẫn duy trì trong phiên giao dịch hôm nay nhưng đã cho thấy dấu hiệu suy yếu hơn so với những phiên vừa qua. Thanh khoản toàn thị trường phiên hôm nay đạt hơn 24.855 tỷ đồng.

Sau phiên vào ròng hôm qua, khối ngoại hôm nay lại đảo chiều bán ròng với hơn 800 tỷ đồng và tập trung vào các mã FPT, MWG, VNM.

0606.jpg
Bản đồ thị trường

Đóng cửa phiên hôm nay, sàn HOSE có 200 mã tăng và 224 mã giảm, VN-Index giảm 0,79 điểm (-0,06%), xuống 1.283,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 893 triệu đơn vị, với giá trị đạt 22.244 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 95,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.468 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,13%), xuống 244,18 điểm, với 76 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,3 triệu đơn vị và giá trị đạt 1.330,9 tỷ đồng, giảm 31,5 về khối lượng và 29,4% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,33 triệu đơn vị, giá trị đạt 100 tỷ đồng.

UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (+0,88%), lên 98,32 điểm, với 151 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,4 triệu đơn vị và giá trị đạt 1.280,9 tỷ đồng, giảm 30% về khối lượng và 25% về giá trị. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 21,7 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2406 tăng nhẹ 3,7 điểm, tương đương +0,29% lên 1.298,7 điểm, khớp lệnh đạt hơn 244.900 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 55.000 đơn vị.

Với diễn biến thị trường hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng từ 60 – 70% danh mục đối với những cổ phiếu đang có xu hướng tích lũy tốt và giữ vững được vùng hỗ trợ thuộc các nhóm ngành như điện, ngân hàng, bán lẻ. Tuy nhiên cần hạn chế mua mới tại thời điểm hiện tại để hạn chế tối đa rủi ro điều chỉnh T+ và nên kiên nhẫn chờ đợi thị trường cho tín hiệu rõ ràng hơn.

CTCK Yuanta Việt Nam cũng đưa ra quan điểm khá thận trọng: “Rủi ro ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có chiều hướng gia tăng, mức hỗ trợ gần nhất cho nhịp điều chỉnh của chỉ số VN-Index là 1.270 điểm. Đồng thời, chúng tôi lưu ý là thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt được mức kháng cự ngắn hạn 1.295 điểm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index đảo chiều giảm điểm, khối ngoại quay lại “xả” hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO