VN-Index nối dài đà tăng điểm sau khi nhận được thông tin hỗ trợ liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, động lực tăng phần nào bị kiềm chế do áp lực chốt lời ngắn hạn trong phiên gia tăng, điều này thể hiện rõ qua sự chững lại của dòng tiền mua chủ động, cũng như biên độ tăng khiêm tốn của cổ phiếu.
Nối tiếp nhịp hồi phục cùng thông tin quy định gỡ nút thắt "pre-funding" chính thức được thông qua, VN-Index mở cửa phiên hôm nay (ngày 19/9) trong sắc xanh với lực cầu tốt ngay từ đầu phiên, trong đó dòng tiền chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu công nghệ. Sắc xanh tiếp tục được duy trì trong suốt phiên sáng và lan toả sang các cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán, bất động sản và thép cho thấy thị trường đã tìm được điểm cân bằng sau chuỗi ngày dài tăng giảm với biên độ rộng.
Bước sang phiên chiều, lực cầu tiếp tục duy trì ở nhóm ngành Ngân hàng (CTG, BID), chứng khoán (SSI) và công nghệ (FPT). Đến giữa phiên cổ phiếu SSB bất ngờ tăng trần, tạo đà cho thị trường tăng mạnh hơn 8 điểm, dễ dàng vượt mốc 1.270 điểm. Cuối phiên, thị trường gặp chút áp lực bán dần đến từ các cổ phiếu bán lẻ và thực phẩm khiến đà tăng chững lại.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành xây dựng và vật liệu dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành bất động sản, dầu khí, ngân hàng,…
Nhóm blue-chips tiếp tục là nhóm cổ phiếu nâng đỡ chính của thị trường, tuy nhiên biên độ tăng giá của hầu hết các mã trong nhóm này đều khá khiêm tốn, phần lớn đều dưới 1%. Điểm sáng nhất là cổ phiếu SSB bất ngờ tăng kịch trần +6,73%, khớp lệnh hơn 2,75 triệu đơn vị. Thanh khoản SSI và VPB cao nhất nhóm và đồng thời lớn nhất sàn, với 24,6 triệu và 17,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Thanh khoản hôm nay quay đầu sụt giảm, giá trị giao dịch cả 3 sàn chỉ đạt gần 14.774 tỷ đồng.
Về giao dịch của khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài nối dài đà mua ròng sang phiên thứ tư liên tiếp, giá trị mua ròng toàn thị trường phiên hôm nay đạt hơn 432 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua các mã SSI, HCM và FUEVFVND.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 240 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index tăng 6,37 điểm (+0,50%), lên 1.271,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 607,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 14.285,4 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 129,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.294 tỷ đồng.
Sàn HNX có 77 mã tăng và 71 mã giảm, chỉ số tăng 0,82 điểm (+0,35%), lên 233,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 828,2 tỷ đồng, giảm 36% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14 triệu đơn vị, giá trị đạt 160,6 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 174 mã tăng và 98 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,18%), lên 93,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,6 triệu đơn vị, giá trị 406,6 tỷ đồng, giảm 36% về khối lượng và 43% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 128,8 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng, với VN30F2409 đáo hạn phiên hôm nay tăng 5 điểm, tương đương +0,38% lên 1.316,9 điểm, khớp lệnh hơn 120.770 đơn vị, khối lượng mở gần 20.000 đơn vị.
CTCK BIDV (BSC) cho rằng, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục trong những phiên tới. Tuy nhiên, đà hồi phục này đang thiếu sự ủng hộ của thanh khoản, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong phiên giao dịch cơ cấu danh mục ngày 20/9.
Có góc nhìn thận trọng hơn, CTCK Vietcombank (BIDV) nhận định, đà hồi phục được giữ ổn định mặc dù sự thận trọng vẫn còn đâu đó.
VCBS không thay đổi quan điểm và khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên chọn lọc cổ phiếu duy trì được xu hướng cũng như dòng tiền ổn định, có nền tảng tích lũy tốt và thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng đã nêu trong các báo cáo gần đây.