Báo cáo “Tình hình công nghệ tài chính quý II/2024” của CB Insights cho thấy, nguồn vốn tài trợ cho Fintech tại châu Á đã giảm đáng kể trong năm nay, với mức vốn tài trợ thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Theo đó, trong quý II/2024, các công ty khởi nghiệp Fintech ở châu Á đã huy động được gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm (VC), nâng tổng số vốn VC trong nửa đầu năm 2024 lên 2,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo mới của CB Insights cho thấy, tổng mức giảm theo năm (YoY) là 17,2%, tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2022 do thị trường không chắc chắn, biến động kinh tế và lo ngại về lợi nhuận.
Mức tài trợ vốn thấp chủ yếu là do thiếu các vòng gọi vốn lớn từ 100 triệu USD trở lên.
Chỉ có 2 giao dịch như vậy được ghi nhận trong nửa đầu năm 2024, đó là: HashKey Group, tập đoàn dịch vụ tài chính tài sản kỹ thuật số của Hồng Kông (Trung Quốc), đã huy động được 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A vào tháng 1/2024 và Ascend Money, nhà cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số của Thái Lan, đã huy động được 195 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D vào tháng 6/2024.
Bất chấp sự suy giảm chung, Đông Nam Á vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong năm nay.
Trong nửa đầu năm 2024, 20 thương vụ VC lớn nhất ở châu Á có tổng giá trị là 1,109 tỷ USD, trong đó, các công ty khởi nghiệp Fintech tại Đông Nam Á chiếm 37% số tiền đó (411 triệu USD) qua 7 thương vụ.
Xu hướng tài trợ Fintech toàn cầu
Hoạt động tài trợ Fintech ở châu Á phù hợp với mô hình toàn cầu. Trên toàn thế giới, tài trợ Fintech giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ 24,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 16,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.
Tuy nhiên, nguồn vốn cho Fintech theo quý đã chứng kiến mức tăng đáng kể là 19% trong quý II/2024, đạt 8,9 tỷ USD. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi 2 giao dịch lớn ở giai đoạn cuối: Vòng I trị giá 694 triệu USD của Stripe và vòng F trị giá 650 triệu USD của AlphaSense. Trong đó, Stripe là nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính hàng đầu của Mỹ dành cho doanh nghiệp, trong khi AlphaSense là nền tảng tìm kiếm và thông tin thị trường.
Biểu đồ trên chứng kiến sự chuyển dịch lớn sang các giao dịch giai đoạn giữa và cuối. Tỷ lệ các giao dịch giai đoạn giữa và cuối tăng lên 20%, tăng từ 17% trong năm 2023. Điều đó cho thấy, môi trường hoạt động được cải thiện và sự tự tin ngày càng tăng của nhà đầu tư vào các công ty Fintech giai đoạn sau so với 2 năm trước.
Xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong các ngành như thanh toán và cho vay. Trong thanh toán, các vòng giữa và cuối chiếm 27% các giao dịch trong nửa đầu năm 2024, so với 21% trong năm 2023. Các giao dịch đáng chú ý trong lĩnh vực này bao gồm: Vòng I của Stripe; vòng D-2 trị giá 150 triệu USD của Ramp và vòng F trị giá 130 triệu USD của Guesty. Trong đó, Ramp là nền tảng quản lý chi tiêu của Mỹ và Guesty là nền tảng phần mềm quản lý tài sản.
Trong lĩnh vực cho vay kỹ thuật số, các giao dịch giai đoạn giữa và cuối chiếm 35% các giao dịch trong nửa đầu năm 2024, so với 20% trong năm 2023. Các giao dịch đáng chú ý bao gồm: 66 triệu USD của Fibe trong vòng gọi vốn Series E; 65 triệu USD của Colendi trong vòng gọi vốn Series B và 63 triệu USD của Brim Financial trong vòng gọi vốn Series C.
Fibe, trước đây được gọi là EarlySalary, là công ty khởi nghiệp cho vay tiêu dùng đến từ Ấn Độ, còn Colendi là công ty khởi nghiệp ngân hàng số của Thổ Nhĩ Kỳ và Brim Financial là nền tảng thẻ tín dụng và chuyên gia tự động hóa thanh toán của Canada.
Trong khi đó, các giao dịch giai đoạn đầu chiếm 72% các giao dịch của Fintech trong nửa đầu năm 2024, giảm so với mức 74% của năm 2023. Các giao dịch trong giai đoạn đó được thúc đẩy bởi các công ty tài sản kỹ thuật số - lĩnh vực ghi nhận sự tập trung mới khi "mùa đông tiền mã hoá tan băng". Các công ty tài sản kỹ thuật số chiếm gần 1/3 trong số 10 vòng hạt giống/thiên thần hàng đầu và 10 vòng Series A hàng đầu. 2 giao dịch giai đoạn đầu lớn nhất trong lĩnh vực tiền mã hoá là vòng hạt giống trị giá 75 triệu USD của TradeDog Market Manager và vòng Series A trị giá 44 triệu USD của Biton.