Xác định 4 nhóm mục tiêu truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030

D.T| 12/06/2021 21:27
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Mới đây, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý xây dựng Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 để tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trình Chính phủ phê duyệt. Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo đại diện các Bộ, ngành, các nhà khoa học về biển, đại dương; các đại diện một số đơn vị có liên quan của Bộ TN&NT cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 (Chương trình).

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu quan trọng. Ảnh: Đình Dũng

Chương trình xác định 4 nhóm mục tiêu chung:

(i) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện, từ đó củng cố được niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước đối với Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển. Cán bộ các cấp phải hiểu sâu, nắm chắc chính sách, pháp luật về biển và hải đảo;

(ii) Thông tin, kiến thức, tri thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương; học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản; đại bộ phận người dân có hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, qua đó, động viên Nhân dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ biển và đại dương;

(iii) Nội dung và hình thức truyền thông được đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa; sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại, đa phương tiện, đa loại hình, đa ngôn ngữ (với các cơ quan báo chí đối ngoại); tạo sự tương tác hiệu quả giữa chủ thể và đối tượng được truyền thông, sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước và quốc tế; hình thành được ý thức trách nhiệm tham gia truyền thông về biển và đại dương của người dân. Truyền được cảm hứng, niềm tự hào cho các tầng lớp Nhân dân về biển, đảo quê hương. Công tác truyền thông về biển và đại dương được triển khai chặt chẽ và bài bản từ trung ương xuống đến từng xã, từng thôn, bản, ấp;

(iv) Ngân sách nhà nước được bố trí đủ và tăng dần hằng năm cho các hoạt động truyền thông về biển và đại dương; ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia vào hoạt động truyền thông, kết hợp truyền thông với hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế biển (khai thác hình thức “đổi truyền thông lấy ưu đãi của Nhà nước”).

Tại Hội thảo, đa số ý kiến nhất trí khẳng định công tác truyền thông về biển và đại dương là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Cần thiết phải tăng cường nhận thức, xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh. Phải thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, thường xuyên về vai trò của biển và đại dương đối với con người và hoạt động kinh tế; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển; chủ quyền biển, đảo; đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển và đại dương.

Chương trình truyền thông phải mang tính chất bao quát, liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương nhưng theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi và PGS. TS. Vũ Sĩ Tuấn mục tiêu cần đưa ra mang tính khả thi, không nên đặt cao quá; Chương trình truyền thông cần đi thẳng vào vấn đề truyền thông, xác định rõ đối tượng truyền thông, vị trí truyền thông trong Nghị quyết 36 và các văn bản khác.

Về cơ bản các ý kiến nhất trí với cấu trúc chương trình, tuy nhiên cần nghiên cứu rà soát lại để thống nhất về cơ cấu nội dung, làm rõ từng nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tính khả thi; cần làm rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, tập huấn cho các đối tượng khác nhau; phải hình thành được một hệ thống tài liệu truyền thông cụ thể để phổ biến đến các đối tượng, mở các chuyên mục biển đảo trên các ấn phẩm báo chí… để thông tin có tính định hướng và mang tính cốt lõi, nâng cao chất lượng nội dung và hiệu quả truyền thông, đảm bảo nội dung được truyền tài nhanh, lan toả đến được tất cả các đối tượng trong quá trình truyền thông.

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết đã và sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện những ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các bộ, ban ngành để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện Chương trình trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định 4 nhóm mục tiêu truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO