Các Hiệp hội ngành, nghề

Cam Cao Phong và câu chuyện “đầu ra” cho hoa quả Việt

Thanh Thanh 08/12/2024 - 16:22

Là đặc sản nổi tiếng của Hòa Bình, giá cam Cao Phong tại vườn ít nhất 50 nghìn đồng/kg nhưng ở Hà Nội có nơi treo biển “cam Cao Phong” chỉ 30- 40 nghìn đồng/kg.

7 năm không vào được siêu thị

cam-cao-phong.jpg

Tại Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc" do Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 6/12, ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, toàn tỉnh có gần 16.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó chủ lực là nhóm cây có múi như cam, bưởi, quýt, chanh với diện tích trên 10.000 ha. Ngoài ra có trên 1.200 ha nhãn, gần 1.500 ha chuối và một số cây ăn quả khác như xoài, vải, táo, thanh long.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Hòa Bình cũng thẳng thắn thừa nhận việc phát triển cây ăn quả vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững trong thực hiện quy hoạch hay việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đặc biệt mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng còn chưa rõ nét vì sản phẩm vẫn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi sống mà hạn chế lớn nhất, điểm nghẽn ở đây chính là khâu bảo quản, chế biến sản phẩm.

Chia sẻ về đặc sản cam Cao Phong nổi tiếng của Hòa Bình, bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, mong ước lớn nhất của người nông dân Cao Phong khi làm ra quả cam chất lượng, đó là có giá bán tương xứng sau thời gian vất vả chăm bón.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các HTX, hộ sản xuất vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: sau thời gian dài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, đất trồng cam đang có dấu hiệu suy thoái, công tác cải tạo tốn kém chi phí, thời gian.

Cùng với đó, quả cam Cao Phong đang chịu sự cạnh tranh về giá. “HTX sau 7 năm chưa thể đưa quả cam vào hệ thống siêu thị vì những quy định, yêu cầu của nhiều siêu thị không mang lại lợi ích cho người trồng. Đặc biệt, đã có hiện tượng các đơn vị phân phối đánh tráo sản phẩm, sử dụng thương hiệu của HTX nhưng sản phẩm không phải, làm giảm uy tín của HTX với người tiêu dùng…” Bà Thủy phản ánh.

Truyền thông nâng cao nhận thức

Nhấn mạnh vai trò của Thương mại điện tử trong giải quyết đầu ra cho nông sản, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, cho rằng, nhiều khi lấy hàng hóa từ nước ngoài về còn nhanh hơn đặt trong nội địa. “Điều này chứng tỏ các nước gần chúng ta đang phát triển rất mạnh về logistics”- ông Dự lưu ý.

Lấy ví dụ về chương trình cam Cao Phong ở Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cho rằng cần tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, giúp người dùng phân biệt cam thật, giả. Ông cho biết, nhiều lần đi Hà Nội, ông phát hiện có những nơi đề biển “cam Cao Phong”, nhưng giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg. Ông Dự nói, “đây có khả năng là hàng giả”, bởi giá cam Cao Phong ngay tại vườn đã ít nhất 50.000 đ/kg.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.

Do đó, để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng…

“Các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam…”- đại diện Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.

“Từ năm 2013, cây ăn quả của chúng ta đã xuất khẩu được 1 tỷ USD, đến nay đã gấp 7 lần. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, các địa phương cũng đã phải trả những “cái giá” nhất định cho sự phát triển vừa qua, trong đó có việc suy thoái vùng cam Cao Phong. Để phát triển bền vững cây ăn quả, các địa phương rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp ngành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả. Ngoài vấn đề quy hoạch, các địa phương cùng cần lưu ý về lựa chọn giống cây ăn quả. Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm…”
(Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam Cao Phong và câu chuyện “đầu ra” cho hoa quả Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO