(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước khó khăn kép của 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa lo đối phó dịch Covid-19, vừa lo chống chịu hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Ngân hàng cũng nhận thấy có trách nhiệm kép cùng chung tay giải quyết.
Toàn cảnh buổi họp trực tuyến. Ảnh: Huy Hoàng |
Chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú sáng ngày 23/3/2020 khi chủ trì cuộc họp trực tuyến về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại 5 tỉnh ĐBSCL gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang. Cùng tham dự họp tại đầu cầu 5 tỉnh có đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân (UBND), mặt trận tổ quốc (MTTQ); đại diện các vụ, cục chức năng, chi nhánh 5 tỉnh của NHNN, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, 4 tổ chức tín dụng (TCTD) lớn.
Nắm bắt sát, chủ động đề xuất, quyết liệt triển khai giải pháp đồng bộ hỗ trợ khu vực ĐBSCL
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tín dụng đối với khu vực ĐBSCL những năm qua được ngành ngân hàng hết sức quan tâm và coi là một trong những khu vực cần có cơ chế chính sách riêng, cần có sự chỉ đạo tập trung bởi với hơn 20 triệu dân, đây là vùng kinh tế trù phú, vùng sản xuất hàng hóa hết sức sôi động, có giá trị xuất nhập khẩu lớn trong cả nước…
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến ĐBSCL và ngày càng gay gắt, đặt ra thách thức với chính quyền lãnh đạo, người dân 13 tỉnh trong khu vực nói chung và đặc biệt 5 tỉnh có mặt tại cuộc họp hôm nay.
Trước thực tế đặt ra, Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ về tín dụng, ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL khắc phục khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, ổn định sản xuất kinh doanh. Nhờ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đối với nền kinh tế và tín dụng cho khu vực ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng toàn khu vực đạt 665.876 tỷ đồng, tăng 15% so với 31/12/2018, tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn quốc (13,7%), chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các mặt hàng nông sản là thế mạnh của khu vực cũng luôn được các TCTD đặc biệt quan tâm đầu tư và có mức tăng trưởng cao hơn của toàn quốc. Theo đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22% so với cuối năm 2018 và chiếm tỷ trọng 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; dư nợ cho vay lúa gạo tăng 7,5%; thủy sản tăng 11,8%; rau quả tăng 15,9%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Huy Hoàng |
Tuy nhiên, như ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Điều này cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng ngân hàng khi tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2/2020 của 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang thấp dưới 2%.
Được biết, từ năm 2016 - thời điểm đánh dấu tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở mức độ gay gắt nhất hơn 100 năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Cụ thể: Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 9/3/2016 để chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, các TCTD chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục cho vay mới để khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.
Mới đây nhất, trước tình hình đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 diễn biến sớm và gay gắt, NHNN cũng kịp thời có Văn bản số 1835/NHNN-TD ngày 18/3/2020 yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tổ chức tín dụng (bao gồm cả NHCSXH) chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; đồng thời cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Cùng với đó, NHNN đã quyết liệt triển khai các các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của vùng; chỉ đạo các TCTD cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Hạn hán và ngập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân
Đó là nhận định chung của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang khi tham dự cuộc họp.
Theo lãnh đạo các tỉnh, ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn đối với mỗi tỉnh dẫu nhiều ít khác nhau nhưng đều hết sức phức tạp và nghiêm trọng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới
Là tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt hạn hán và xâm nhập mặn lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Hiện nước mặn đã xâm nhập tới toàn bộ 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh. Tình trạng xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm và vào sâu hơn dự báo rất nhiều đã khiến ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh tại địa phương và đời sống của người dân. Khoảng hơn 5000 ha lúa vụ đông xuân 2019-2020 bị mất trắng, khoảng 20 ngàn ha cây ăn trái bị thiếu nước, khả năng thiệt hại và mất trắng là rất lớn…; toàn bộ giống hoa kiểng bị thiệt hại; 7721 ha diện tích nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa bị thiệt hại khoảng 30% do độ mặn quá cao; cá tra, các ba sa phải bán tháo…; hơn 1100 tấn nghêu bị chết; 1,3 triệu hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Nếu đợt hạn mặn 2015-2016 thiệt hại kinh tế của cả tỉnh Bến Tre ước tính ở mức 1800 tỷ đồng, thì sơ bộ đánh giá đợt hạn mặn này lên tới gần 2000 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa cho biết xâm nhập mặn vào sâu tới tất cả các huyện, với diễn biến vượt ngoài kịch bản dự báo, ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh. Vụ đông xuân có khoảng 7500 ha bị thiệt hại, trong đó 2000 ha thiệt hại trên 70%, còn lại hơn 5000 ha thiệt hại từ 30-50%.
Tại tỉnh Cà Mau, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử hạn hán hết sức gay gắt. Thiệt hại hơn 18.500 ha, trong đó chủ yếu là diện tích sản xuất vụ lúa, vụ tôm. Khoảng 20.500 hộ gia đình gặp khó trong tiếp cận nước sinh hoạt. Trong đó, có 4100 hộ đặc biệt khó khăn. Hạn hán làm cho hệ thống giao thông thủy bị tê liệt, giao thông bộ bị hạn chế. Vùng ngọt của tỉnh xảy ra tình trạng sụt lún đất tại hơn 1000 vị trí với chiều dài 22 km.
Ưu tiên tập trung vốn, đảm bảo không thiếu vốn hỗ trợ khách hàng
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa, sát hơn nữa với định hướng phát triển, chương trình kinh tế của các địa phương; Tiếp tục coi ĐBSCL là khu vực cần ưu tiên tập trung vốn nhiều hơn nữa, đảm bảo không thiếu vốn cho khu vực ĐBSCL. Ảnh Huy Hoàng |
Ghi nhận những khó khăn mà các tỉnh đang gặp phải, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc giải quyết những khó khăn trong vùng không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Thời gian tới, trước khó khăn kép của 5 tỉnh ĐBSCL, ngành Ngân hàng cũng nhận thấy có trách nhiệm kép cùng thực hiện giải quyết khó khăn.
Theo đó, chủ trương chung của ngành Ngân hàng là: Tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa, sát hơn nữa với định hướng phát triển, chương trình kinh tế của các địa phương; Tiếp tục coi ĐBSCL là khu vực cần có ưu tiên tập trung vốn nhiều hơn nữa, đảm bảo không thiếu vốn cho khu vực ĐBSCL. Trong đó, chuyển dịch cơ cấu tín dụng tập trung vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo mô hình liên kết, tín dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như xuất khẩu cho vùng sản xuất nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông sản chủ yếu; Tiếp tục chỉ đạo TCTD kịp thời nắm bắt thực trạng, chủ động triển khai giải pháp tín dụng hỗ trợ khách hàng vay vốn đang gặp khó khăn, khách hàng chịu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19…; Tiếp tục tạo thuận lợi về cơ chế, quy chế, thủ tục và điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu đời sống chính đáng của người dân cũng như tăng cường cho vay với người nghèo, hạn chế tín dụng đen.
Đối với các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh cũng như chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 01 từ những ngày đầu năm; Đề nghị TCTD tuân thủ quy định, nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất, phí, lệ phí nhằm chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh và tình trạng hán hán, xâm nhập mặn; Tích cực triển khai chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông dân, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Tập trung cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình, dự án kinh tế trọng điểm của địa phương cũng như có sức lan tỏa trên cả vùng. Quan tâm tài trợ vốn cho các dự án phục vụ phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu nhất là những dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị ở nông thôn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng và đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất cũng như cho vay tiêu dùng, tiếp tục hạn chế tín dụng đen; Đề nghị chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng để có những giải pháp cụ thể và hợp lý đối với doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Giám đốc NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo tại hội nghị đầu năm và Thông tư 01. Phải đảm bảo vai trò kết nối giữa ngành với lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, với các sở, ban, ngành; Nắm sát tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của tình trạng dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức triển khai nghiêm túc Thông tư 01, công văn 1835 ký ngày 18/3/2020 riêng cho các tỉnh ĐBSCL về vấn đề xử lý khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, Chỉ thị 03 ngày 9/3/2016 liên quan đến khắc phục hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL; Phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai các chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ngay khi điều kiện cho phép để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cụ thể; Kiểm tra và giám sát việc thực hiện Thông tư 01, cũng như hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ khách hàng đảm bảo tính nghiêm túc cũng như ngăn chặn tình trạng gian lận trong thực hiện chủ trương có tính chất ưu tiên; Chủ động thông tin, truyền thông về các quy định của pháp luật, chủ trương chính sách của chính phủ cũng như chỉ đạo của ngành về hoạt động tín dụng, hoạt động ngân hàng, tạo sự đồng thuận của các sở, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp…; Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, NHNN khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền để có những sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tiếp tục ưu tiên đảm bảo nguồn vốn cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của khu vực ĐBSCL; Đặc biệt là triển khai dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát xác định tình hình, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là đối với hộ nghèo, người dân vay vốn NHCSXH.
Để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đạt kết quả cao và ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành Ngân hàng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo MTTQ các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục phối hợp, hỗ trợ TCTD trên địa bàn trong công tác huy động vốn; phối hợp triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Chỉ đạo các các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định.
Nhân dịp này, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Ngân hàng đã vận động các tổ chức công đoàn, cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn với giá trị quà tặng ủng hộ trị giá 3 tỷ đồng mỗi tỉnh. |