Xây dựng đội ngũ chuyên gia ngân hàng

P.V| 07/04/2021 09:01
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 6/4/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Tọa đàm “Giải pháp triển khai hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021 - 2030”, đồng thời vinh danh các cán bộ, chuyên gia đã nỗ lực trong công tác tham mưu, tư vấn cho Ban Lãnh đạo NHNN từ khi Đề án được triển khai năm 2013 đến nay.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ, với mục tiêu không ngừng đổi mới, bắt kịp xu hướng phát triển chung, NHNN luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thực thi các nhiệm vụ then chốt của ngân hàng, tiến tới trở thành một NHTW tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, từ năm 2004, NHNN đã xây dựng Đề án “Xây dựng từng bước nhóm cán bộ nòng cốt, trình độ cao, nghiệp vụ sâu, có khả năng trở thành những chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn hẹp của NHNN”.

Đến năm 2013, Đề án tiếp tục được rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại với tên gọi Đề án “Đào tạo chuyên gia giai đoạn 2013 - 2020”.

Trải qua các giai đoạn thực hiện Đề án, NHNN đã đạt được một số kết quả nhất định, đáng khích lệ, khẳng định sự cần thiết của công tác đào tạo chuyên gia.

Chia sẻ tại Toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN Trần Hữu Thắng cho biết, các nhóm cán bộ nòng cốt của NHNN đã có nhiều đóng góp tích cực cho thành tựu chung của ngành Ngân hàng trên nhiều lĩnh vực quan trọng kể từ năm 2004 đến nay.

Cụ thể, nhóm cán bộ nòng cốt đã đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đề xuất phương án điều hành nghiệp vụ thị trường nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, giải quyết các vấn đề liên quan đến phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; các giải pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, sáng tạo, phù hợp, góp phần ổn định tỷ giá; tham mưu xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về thanh toán không dùng tiền mặt, chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng,… Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; các cơ chế chính sách về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền; các cơ chế chính sách về an toàn hoạt động ngân hàng như Luật sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng…

Ngoài ra, nhóm cán bộ nòng cốt thuộc các lĩnh vực khác như nghiệp vụ ngân hàng trung ương, kế toán - kiểm toán ngân hàng, quản trị nhân sự... cũng đã tham mưu đề xuất và xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách quan trọng thuộc phạm vi lĩnh vực chuyên môn.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, đội ngũ cán bộ chuyên gia vẫn còn mỏng so với yêu cầu thực tiễn Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quy hoạch chuyên gia trong thời gian tới cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hơn nữa.

Phó Thống đốc lưu ý, cần phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra. Đó là xây dựng và phát triển các nhóm chuyên gia nòng cốt trong từng lĩnh vực trọng tâm, trụ cột, phản ánh hoạt động chính của NHNN, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo NHNN ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thực thi hiệu quả các chủ trương, định hướng được xác định trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đội ngũ chuyên gia ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO