Vấn đề - Nhận định

Xây dựng hệ sinh thái trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững

Đoàn Hằng 31/05/2023 - 10:15

Để giải quyết những khó khăn trên hiện nay, qua đó giúp thị trường trái phát doanh nghiệp triển ổn định và lành mạnh, giới chuyên môn cho rằng, việc xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh là vấn đề cấp bách.

trai-phieu-doanh-nghiep.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn lại sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chia sẻ tại Tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô và Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường TPDN bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và đã nhanh chóng đạt được quy mô ngót nghét 1,2 triệu tỷ đồng, theo số dư đến ngày 31/12/2022.

Dù đã có những bước phát triển nhanh chóng nhưng thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn khá non trẻ và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đưa ra một số giải pháp, có thể kể đến như:

Thứ nhất, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá, lạm phát… Điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, để giải quyết các khó khăn. Đây sẽ là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.

Thứ hai, phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường TPDN. Các chính sách này phải được ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chính sách, ban hành và xử lý giải quyết những yêu cầu bức xúc của thị trường. Trong một thời gian rất ngắn, Chính phủ ban hành 2 nghị định: Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08). Những quy định pháp lý mới đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo và giải quyết những vấn đề khác liên quan…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với những nghĩa vụ như các cam kết của mình với nhà đầu tư. Nhà nước thực hiện giám sát các doanh nghiệp, giám sát thị trường để đảm bảo việc thực thi các nhiệm vụ theo đúng các quy định của pháp luật. Về phía nhà đầu tư, cũng phải tôn trọng các quy định của pháp luật để nhà nước hỗ trợ và giám sát thị trường này minh bạch, đảm bảo hài hòa các quyền lợi, lợi ích của các bên.

Thứ ba, trước những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khác nhau để hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp phát hành. Chính phủ đã có chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế… Đây là những giải pháp tác động đến thị trường TPDN, hỗ trợ thị trường tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.

Thứ tư, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng tăng cường giám sát, kiểm tra, thậm chí thanh tra để đảm bảo thị trường TPDN minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện.

“Về phản ứng chính sách của Chính phủ, tôi thấy Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả những khó khăn hiện đang vướng phải”, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu đánh giá và cho biết: “Tôi muốn chú ý hơn nữa về vấn đề tạo nền móng cho tương lai bởi rõ ràng chúng ta nhận thức rõ vai trò của trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ”.

Trên cơ sở đó, TS. Vũ Minh Khương lưu ý, cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Phải biến những thách thức thành cơ hội để những ý chí, quyết tâm, nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng nền tảng, hệ thống trái phiếu trở thành đẳng cấp thế giới trong thời gian tới.

“Xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh là vấn đề rất cấp bách. Tôi tin là Chính phủ nhiệm kỳ này có thể làm được vấn đề đó và coi thách thức hiện giờ chúng ta gặp phải là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam để tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới”, TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thị trường trái phiếu không phải là một thị trường mua bán hàng hóa thông thường. Trái phiếu là một thị trường tài chính, đòi hỏi những người tham gia phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh.

Để xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, việc đầu tiên là phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý, hỗ trợ, giám sát. Tiếp đến là bản thân bản thân các chủ thể tham gia thị trường cũng phải có ý thức tuân thủ những quy định và khuôn khổ pháp lý của thị trường.

“Tôi cho rằng có lẽ nhiều doanh nghiệp thời gian vừa qua phát hành trái phiếu chưa thực sự hiểu. Nếu biết được phát hành như thế rơi vào vòng lao lý thì có lẽ họ đã không làm. Có lẽ họ chưa am hiểu chuyện đó. Cảnh báo của chúng ta, kiểm soát của chúng ta đúng là chưa kịp thời. Nếu kịp thời chúng ta sẽ ngăn chặn sớm, không để xảy ra tình trạng tràn lan, gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế”, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu thực tế và đề nghị: "Cần có các biện pháp phản ứng phù hợp hơn, quan trọng nhất là những trái chủ cảm thấy có niềm tin và sẽ không có người nào mất trắng tay".

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, để thị trường trái phiếu hoạt động trở lại ổn định và phát triển bền vững thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, phản ứng chính sách và quyết đáp của Chính phủ thời gian qua đã rất linh hoạt.

“Tôi xin chia sẻ là từ khi Nghị định 08 được ban hành ngày 5/3/2023, chúng ta đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8.000 tỷ đồng, như: Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…

“Nhờ có quy định mới của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư đã thực hiện được các phần việc như đàm phán, gia hạn, chuyển đổi thành tài sản,… thành công”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết và khẳng định: “Sau khi có Nghị định 65 và Nghị định 08, nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường tốt lên rất nhiều, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Như vậy, với những quy định mới của Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả bước đầu rất tích cực. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hệ sinh thái trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO