(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trở lại phần nào trong 3 tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn được dự báo vẫn sẽ có xu hướng giảm nhẹ. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND cũng được nhận định sẽ duy trì ổn định vào cuối năm, hầu như không thay đổi so với đầu năm.

Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng giảm nhẹ

Các thống kê trên thị trường tiền tệ cho thấy, với mức chênh lệch phần tăng thêm tổng phương tiện thanh toán (M2) và tín dụng luôn duy trì ở mức cao đã giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn duy trì trạng thái dồi dào từ đầu năm đến nay.

 

Lý giải diễn biến này, trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc Công ty chứng KB Việt Nam (KBSV) lý giải thanh khoản hệ thống ngân hàng liên tục duy trì ở trạng thái dồi dào là do:

Thứ nhất, dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi rõ rệt do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22/9 chỉ đạt 5,12% YTD, thấp hơn nhiều so với mức hơn 8,51% cùng kỳ năm 2019

Thứ hai, NHNN thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối với ước tính đạt gần 10 tỷ USD, tương đương với bơm ra thị trường hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Để đối phó với dịch COVID-19 và kích cầu tín dụng, NHNN đã quyết định hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp vào tháng 3&5&10/2020, với tổng mức giảm là 150 điểm % đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ 80 – 100 điểm %.

Bên cạnh đó, NHNN hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để cho các ngân hàng không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh các NHTM đã phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ.

 

Sau các quyết định cắt giảm lãi suất từ NHNN, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh kể từ sau lần cắt lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ 2 nguyên nhân: Thanh khoản hệ thống duy trì ở trạng thái dư thừa khi mà nguồn cung dồi dào; áp lực giảm lãi suất huy động để duy trì tỷ lệ NIM phù hợp trong bối cảnh các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19.

 

Thanh khoản dư thừa, kéo theo lãi suất liên ngân hàng xuống mức thấp nhất 2 năm qua. Số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã chạm đáy 2 năm gần nhất. Cụ thể, trong tuần từ ngày 19-23/10, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần giữ ở mức 0,18%/năm và 0,19%/năm, lần lượt giảm 0,1% và 0,02% so với tuần trước đó. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm tiếp tục được duy trì ở mức 0,1%/năm, không có nhiều biến động trong vòng 5 tuần qua.

Hiện tại, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 2 tuần đã chạm đáy thấp nhất trong vòng 2 năm vừa qua. Với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dư thừa, BVSC cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp (dưới 1%/năm trong quý cuối năm).

 

Về lãi suất huy động, các chuyên gia của KBSV cho biết, lãi suy huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm sau lần hạ lãi suất điều hành lần này, tuy nhiên tốc độ sẽ không rõ rệt như trước đó do mặt bằng hiện đã duy trì ở mức thấp.

Bởi lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50 – 200 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,50 – 4,0%/năm, đã thấp hơn khá nhiều mức trần mới 4,0%/năm của NHNN, do vậy dư địa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng để tiếp tục giảm mạnh sẽ không còn nhiều.

Xu hướng giảm cũng rõ rệt hơn ở lãi suất huy động trung và dài hạn trong vòng 3 tháng qua, với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 12 tháng hiện phổ biến ở 6,0 – 7,0%/năm.

“Dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại phần nào trong 3 tháng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn sẽ có xu hướng giảm nhẹ ở mức từ 10-20 điểm %”, các chuyên gia của KBSV kỳ vọng.

Kỳ vọng lãi suất giảm cũng là nhận định chung của các TCTD. Cụ thể, kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, Thống kê, NHNN vừa công bố cho biết, tại kỳ điều tra này, các TCTD kỳ vọng  mặt bằng lãi suất huy động - cho vay giảm trong quý IV/2020 và cả năm 2020. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống các TCTD: “Mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý IV/2020”.

Tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định

Sau khi biến động mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3/2020 đã quay trở lại trạng thái ổn định với xu hướng giảm trong quý II/2020 và quý III/2020. Các thống kê cho thấy, đến ngày 30/9, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và chợ đen lần lượt tăng 0,1% và 0,3 % so với cuối năm 2019, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,3%.

Nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong 9 tháng đầu năm.

 

Báo cáo của KBSV cho biết, lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, xu hướng giảm của đường NEER (tỷ giá danh nghĩa đa phương) và REER (tỷ giá thực đa phương) trở nên rõ rệt hơn.

Đường NEER hiện đã giảm xuống còn 97,9 điểm, từ mức 118 điểm vào cuối quý II/2020 và xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Theo đánh giá của KBSV, đường NEER và REER giảm là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất khẩu nhưng cũng tạo áp lực điều hành cho NHNN.

“Nguyên nhân chính giúp tỷ giá USD/VND ổn định trong quý II&III/2020 và diễn biến giảm giá của NEER và REER là nhờ xu hướng giảm giá rõ rệt của đồng USD trên thị trường quốc tế”, KBSV cho biết.

Cụ thể, sau khi tăng vọt hơn 8% trong khoảng thời gian từ ngày 9-20/3/2020, Chỉ số DXY hiện đã giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các gói hỗ trợ tài khóa.

Ngoài ra, việc NHNN ấn định tỷ giá mua vào ở Sở giao dịch NHNN tại 23.175 VND/USD và tích cực mua tăng dự trữ ngoại hối trong vòng gần 1 năm qua cũng đã phần nào chặn đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và giúp đồng VND giảm giá tương đối so với các đồng tiền khác trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu, đặc biệt là với các đồng như CNY, EUR, JPY.

 

Báo cáo của KBSV cũng cho biết, hoạt động xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối tích cực và tính đến cuối tháng 9, cán cân thương mại thặng dư tới gần 17 tỷ USD với tăng trưởng vượt bậc ở nhóm điện tử, máy tính và linh kiện (+25,9% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lượng kiều hối thường tăng mạnh giai đoạn cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trước Têt Nguyên Đán… Theo đó, nguồn cung ngoại được dự báo vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong quý 4/2020, khi hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và vốn FDI giải ngân vẫn tương đối tốt.

Với các diễn biến trên, KBSV điều chỉnh kịch bản của đồng VND trong năm 2020 sẽ là: “Đi ngang” – thay đổi so với dự báo trước đó nhờ nguồn cung USD dồi dào và xu hướng giảm giá của đồng USD trên thị trường quốc tế.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng lãi suất và tỷ giá cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO