Trong bối cảnh năng động của lĩnh vực thanh toán châu Á, việc áp dụng nhanh chóng các giải pháp thanh toán số ngày càng rõ rệt. Hành trình chuyển đổi này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các khoản thanh toán trên toàn khu vực.
Công nghệ và sở thích của người tiêu dùng đang thúc đẩy việc áp dụng thanh toán số ở châu Á như thế nào?
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự chuyển đổi trong lĩnh vực thanh toán là sức lan tỏa của công nghệ mới. Những tiến bộ trong công nghệ tài chính đang dần định hình lại bối cảnh dịch vụ tài chính, châu Á trở thành khu vực đi đầu trong các giải pháp thanh toán số tiên phong.
Từ ví di động đến thanh toán không tiếp xúc, sở thích của người tiêu dùng ở châu Á đã có sự thay đổi lớn, cho thấy trải nghiệm thanh toán liền mạch và không tiếp xúc ngày càng tăng. Sự gia tăng của nhóm nhân khẩu học bản địa kỹ thuật số - những người sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số (sau năm 1980) - là yếu tố chính khác thúc đẩy việc áp dụng thanh toán số.
Khi thế hệ Millennials và Gen Z trở thành lực lượng nòng cốt trên thị trường tiêu dùng, sở thích của họ đối với công nghệ và trải nghiệm kỹ thuật số đang định hình lại hành vi thanh toán. Nhóm nhân khẩu học am hiểu kỹ thuật số này không chỉ đòi hỏi sự tiện lợi, mà còn muốn các giải pháp thanh toán được cá nhân hóa, trực quan và an toàn phù hợp với sở thích của mình.
Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy sự chuyển dịch sang thanh toán số.
Với những lo ngại về an toàn và vệ sinh khiến người tiêu dùng hạn chế các giao dịch tiền mặt, các phương thức thanh toán số đã nổi lên như giải pháp thay thế an toàn hơn, cung cấp phương thức giao dịch không tiếp xúc và vệ sinh. Xu hướng này vẫn tiếp tục sau đại dịch, củng cố vị thế của thanh toán số - phương thức giao dịch được ưa chuộng hậu COVID-19.
Các xu hướng tác động đến hệ sinh thái thanh toán châu Á
Châu Á đang chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể, chủ yếu được thúc đẩy bởi xu hướng thanh toán tức thời. Các sáng kiến thanh toán tức thời đang phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện phát triển các giao dịch thời gian thực và xuyên biên giới dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp châu Á.
Về mặt công nghệ, phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) đang ngày càng trở nên nổi bật trong khu vực, cho thấy tầm quan trọng của các giải pháp thanh toán lõi đám mây. Bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây, các doanh nghiệp có thể truy cập các giải pháp thanh toán có khả năng mở rộng, linh hoạt và tiết kiệm chi phí, cho phép triển khai nhanh chóng và tích hợp liền mạch với các hệ thống hiện có.
Công nghệ mã hóa và Blockchain là phương tiện được ưa chuộng bởi tính năng bảo mật giao dịch, mang lại sự an toàn, minh bạch và tính bất biến cao hơn cho các quy trình thanh toán, qua đó, củng cố niềm tin vào hệ sinh thái thanh toán số.
Ví điện tử tiếp tục phát triển, với số lượng người tiêu dùng ngày càng tăng do sự tiện lợi và bảo mật mà các nền tảng thanh toán số này cung cấp. Theo PwC Singapore, các giao dịch ví điện tử ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có giá trị 22 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần, vượt mức 114 tỷ USD vào năm 2025, làm nổi bật tầm quan trọng của ví điện tử trong bối cảnh thanh toán của khu vực.
Tương tự, mã QR vẫn là phương thức thanh toán phổ biến, cung cấp các giao dịch thuận tiện và không tiếp xúc. Theo The Banker, tính đến tháng 7/2023, số lượng người dùng ứng dụng thanh toán QR tại Singapore, Malaysia và Indonesia đã đạt gần 1 triệu người. Đến năm 2025, số lượng người dùng ứng dụng thanh toán QR dự kiến sẽ tăng 78%, hơn 1,77 triệu người dùng. Tuy nhiên, thanh toán QR vẫn còn mới mẻ trong khu vực so với các loại giao dịch kỹ thuật số khác, nhưng đây vẫn là xu hướng thanh toán cần chú trọng do thu hút người dùng và áp dụng rộng rãi tại khu vực APAC trong những năm qua.
Tương lai của thanh toán số tại châu Á
Những xu hướng thanh toán số đang định hình lại bối cảnh thanh toán ở châu Á, mở ra kỷ nguyên đổi mới, hiệu quả và tiện lợi. Khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng chấp nhận thanh toán số, nhu cầu về các giải pháp thanh toán linh hoạt, an toàn và cá nhân hóa sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới và định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán trên toàn khu vực.
Tóm lại, quỹ đạo của bối cảnh thanh toán tại châu Á chắc chắn đang hướng đến tương lai số. Với việc nắm bắt sự đổi mới công nghệ, thúc đẩy sự hợp tác và ưu tiên lấy khách hàng làm trọng tâm, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể cải thiện những khó khăn, thách thức của lĩnh vực thanh toán số, để có thể phát triển mạnh mẽ trong một thế giới gia tăng kết nối và thanh toán không dùng tiền mặt.