Xu hướng tích cực của hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Đức Lệnh| 28/03/2022 07:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Quý I/2022, hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn ra ổn định và tăng trưởng trong xu hướng tích cực.

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2022 có nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện Chỉ thị 01 của Ngân hàng Trung ương (NHTW) về những giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng năm 2022 cùng với chương trình phục hồi kinh tế của thành phố. Nhiệm vụ đó được thực hiện trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến mới khó lường do tác động từ khủng hoảng địa chính trị và xung đột quân sự, giá dầu, giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh. Đáng mừng là trong bối cảnh đó, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố vẫn giữ ổn định và tăng trưởng trong xu hướng tích cực, gắn liền với 4 kết quả quan trọng.

Thứ nhất, thị trường tiền tệ ổn định. Các yếu tố thị trường: lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định và diễn biến theo đúng định hướng điều hành của NHTW. Trong đó, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng khoảng 0,08% so với cuối năm 2021; tỷ giá mua bán tại các NHTM tăng khoảng 0,35%. Cung cầu ngoại tệ ổn định và đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu.

Đây tiếp tục là kết quả quan trọng không chỉ đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ, thực hiện củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô mà còn là nền tảng cho quá trình tăng trưởng và phục hồi kinh tế theo chương trình kế hoạch đã đề ra.

Thứ hai, hoạt động tín dụng tăng trưởng trở lại tích cực và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn (dự ước) tăng 3,65% và tăng 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế. Riêng một số ngành lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể: nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn duy trì, ổn định và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay tổng giá trị hỗ trợ cho doanh nghiệp đạt 3,2 triệu tỷ đồng, với 1.851.864 khách hàng được hỗ trợ, thông qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay; giảm chi phí vay… để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.

Thứ tư, các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHTW và của UBND Thành phố tiếp tục được ngành Ngân hàng thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt nhằm tập trung vốn và tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng và phát triển, tạo động lực tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, dư nợ cho vay của các chương trình tín dụng chính sách (được thực hiện thông qua NHCSXH thành phố) đạt: 7.186 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối  năm 2021. Dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 57,3% trong tổng dư nợ cho vay của NHCSXH thành phố, góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Thứ năm, dịch vụ ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và hoạt động ngân hàng ổn định. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở dưới mức quy định; kết quả kinh doanh dương; động lực tăng trưởng gắn với phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tiếp tục được các NHTM trên địa bàn quan tâm và khai thác…

Những kết quả hoạt động quan trọng của ngành ngân hàng thành phố, không chỉ đảm bảo cho các TCTD tăng trưởng và phát triển bền vững mà còn tạo điều kiện hết sức có ý nghĩa trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp; thực hiện tốt NQ 11 của  Chính phủ và thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế thành phố nói riêng theo kế hoạch đã đề ra.

Những kết quả tích cực ngay từ quý “mở hàng” của năm càng có ý nghĩa quan trọng, làm cơ cơ sở và nền tảng cho quá trình tăng trưởng và phát triển trong các quý tiếp theo, cũng như giúp hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong cả năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng tích cực của hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO