Các Hiệp hội ngành, nghề

Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chủ lực đã lấy lại sự cân bằng

Nguyễn Huyền 13/10/2023 - 16:09

Trong tháng 9/2023, một số sản phẩm thủy sản chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022, xu hướng sụt giảm xuất khẩu sẽ không còn khi các nhà nhập khẩu tăng mua, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu trong mùa lễ, tết cuối năm.

image-cuocsongkinhdoanh-vn_cong-nhan-anvicfish-8830.jpg
Nhà máy chế biến cá tra - Ảnh minh họa

Xuất khẩu thủy sản đã có những gam màu sáng hơn

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2023 đạt hơn 814 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng trước. Lũy kế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 6,602 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá tổng thể về xuất khẩu thủy sản trong các tháng qua, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 9, một số sản phẩm thủy sản chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước.

Đáng chú ý, sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác như: Mực, bạch tuộc, cua – ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ nhưng mức giảm chỉ từ 6-12%.

Để chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ hội cuối năm, hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối CPTPP như: Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Tới cuối tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Hà Lan và Anh… Xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23%, đạt 623 triệu USD.

Đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 1,15 tỷ USD, giảm 15%, trong khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022.

“Thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV/2023, khi các nước nhập khẩu tăng mua chuẩn bị nguồn hàng cho mùa lễ, hội cuối năm. Do vậy, nếu không có biến động khác và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD”, bà Lê Hằng nói.

Lợi thế địa lý, thủy sản Việt Nam có thể giành thị phần cao hơn tại Trung Quốc

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,014 tỷ USD, giảm 16,39% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi xuất khẩu thủy sản giảm mạnh thì xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này lại tăng mạnh.

Bà Lê Hằng cho biết, tuy Việt Nam chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn, 0,2% tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản tươi/sống của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay, nhưng so với cùng kỳ năm 2022, lượng nhập khẩu tăng đột phá 446% và giá trung bình cũng tăng 184%.

Thủy sản sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là cá cảnh, cá mú, tôm hùm, tôm sú… Thượng Hải, Quảng Đông, Vân Nam là 3 tỉnh nhập khẩu nhiều nhất thủy sản tươi/sống, chiếm lần lượt 39%, 16% và 11% tổng khối lượng nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm.

Trừ giai đoạn bị hạn chế do dịch COVID, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn và tiềm năng vì dân số lớn, thu nhập bình quân đầu người gia tăng. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm: Từ 5 kg năm 1980 lên 14,4 kg năm 1993; 37,9 kg năm 2013; 54kg năm 2020. Nhu cầu hải sản tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trung bình người dân mua hải sản 3 –4 lần/tháng, riêng tại Thượng Hải người dân mua thủy sản trung bình 11 lần/tháng, tức là họ chi khoảng 30% chi phí thực phẩm để mua thủy sản.

Những chỉ số trên cho thấy, trong thời gian tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản trong đó có Việt Nam. Cạnh tranh tại thị trường này sẽ ngày càng nóng, nhưng với lợi thế địa lý, thủy sản Việt Nam có thể giành thị phần cao hơn bằng phân khúc thủy sản tươi/sống/ướp lạnh cho tiêu thụ nội địa của Trung Quốc, đồng thời cũng cần đa dạng hóa dạng sản phẩm chế biến cho xu hướng tiêu thụ mới của giới trẻ hiện đại ở Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chủ lực đã lấy lại sự cân bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO