2020 có thể là năm châu Á tăng trưởng thấp nhất trong vòng 60 năm qua

Hải Yến| 16/04/2020 14:46
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến công bố Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Changyong Rhee, Giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết tăng trưởng của châu Á năm 2020 sẽ rơi vào thế trì trệ, tồi tệ hơn tốc độ tăng trưởng trung bình năm trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009  (4,7%) hay khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 (1,3%).

Ông Changyong Rhee cho rằng, đây là những thời điểm đầy thách thức và tính bất định cao đối với nền kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng không ngoại lệ. Tác động của virus corona đối với khu vực sẽ rất nghiêm trọng, trên tất cả các mặt và chưa từng có. Tăng trưởng của châu Á năm 2020 sẽ rơi vào thế trì trệ, tồi tệ hơn tốc độ tăng trưởng trung bình năm trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (4,7%) hoặc khủng hoảng tài chính châu Á (1,3%). Trên thực tế, trong vòng 60 năm qua, chưa bao giờ châu Á đã có tăng trưởng bằng 0. Điều đó nói rằng, châu Á vẫn có mức tăng trưởng tốt hơn so với các khu vực khác.

Theo ông Changyong Rhee, trong năm 2021, nếu các chính sách ngăn chặn dịch bệnh thành công, chúng ta sẽ thấy sự phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta còn không chắc chắn năm nay tình hình sẽ tiến triển như thế nào. “Đây không phải là thời gian để kinh doanh như bình thường. Các nước châu Á cần sử dụng tất cả các công cụ chính sách trong bộ công cụ của họ. Khi làm như vậy, sự đánh đổi chính sách sẽ là không thể tránh khỏi và sẽ phụ thuộc vào không gian chính sách” – ông Rhee nhận định.

sao tăng trưởng của châu Á năm 2020 dự báo giảm tốc mạnh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009?

Theo ông Rhee, có một số lý do giải thích cho điều này:

Thứ nhất, không giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các khu vực kinh tế thực của châu Á, đặc biệt là khu vực dịch vụ, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp ngăn chặn đại dịch virus corona. Các quốc gia châu Á đang ở các giai đoạn khác nhau của đại dịch. Nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu hoạt động trở lại, các nền kinh tế khác đang áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt hơn và số khác đang trải qua làn sóng nhiễm virus thứ hai.

Thứ hai, sự giảm tốc ở các nền kinh tế tiên tiến còn nghiêm trọng hơn nhiều. Thế giới bước vào suy thoái, với tăng trưởng năm 2020 dự báo bằng -3%, thấp nhất kể từ Đại suy thoái 1930. Các đối tác thương mại quan trọng của châu Á dự kiến ​​đều sẽ suy giảm tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm Mỹ -5,9% và khu vực đồng Euro -7,5%.

Thứ ba, sự giảm tốc của Trung Quốc. Năm 2009, tăng trưởng của Trung Quốc không thay đổi nhiều, ở mức 9,4% nhờ các gói kích thích khổng lồ được triển khai, nhưng cũng không thể mong đợi mức độ các gói kích thích này lần này từ Trung Quốc. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020. Mức độ điều chỉnh tăng trưởng phản ánh thiệt hại của hoạt động kinh tế trong nước do các biện pháp giãn cách xã hội, cũng như nhu cầu bên ngoài giảm sút. Chúng tôi hy vọng một sự phục hồi trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào cuối năm nay. Điều này là bởi Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đang quay trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, có những rủi ro rõ ràng: virus có thể quay trở lại và quá trình bình thường hóa có thể mất nhiều thời gian hơn.

Dự báo tăng trưởng tại một số nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

Triển vọng kinh tế Nhật Bản năm 2020 đã xấu đi đáng kể. GDP thực tế ở Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giảm 5,2%, do tác động của virus corona và sự suy giảm mạnh của nhu cầu bên ngoài.

Đối với Hàn Quốc, dự đoán tăng trưởng trong năm 2020 sẽ ở mức -1,2%. Tác động tiêu cực đến tăng trưởng dự kiến ​​sẽ nhỏ hơn so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác, phản ánh chiến lược hiệu quả để làm phẳng đường cong lây nhiễm dịch bệnh, điều này đã tránh được việc phải ngừng hoạt động trên diện rộng trong các ngành sản xuất và dịch vụ.

Ở Ấn Độ, tăng trưởng đã được điều chỉnh xuống 1,9% cho năm 2020. Ấn Độ bước vào cuộc khủng hoảng đại dịch giữa lúc khủng hoảng tín dụng gây ra tăng trưởng chậm lại và triển vọng phục hồi trở nên không chắc chắn hơn. Mặc dù kinh tế suy thoái, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện phong tỏa toàn quốc. Quyết định chủ động này của Ấn Độ được IMF ủng hộ.

Ở Úc và New Zealand, tăng trưởng trong năm 2020 được dự kiến ​​sẽ giảm mạnh, lần lượt đạt - 6,7% và -7,2%. Ở cả hai nền kinh tế, mức điều chỉnh phản ánh sự gián đoạn kinh tế đáng kể từ việc thực hiện giãn cách xã hội, giá cả hàng hóa thấp hơn và nhu cầu nước ngoài thấp hơn.

Mức tăng trưởng khu vực ASEAN-5 cũng được điều chỉnh giám xuống -1,3% vào năm 2020. Các nước ASEAN lớn đã đưa ra các biện pháp y tế cộng đồng bao gồm phong tỏa và  phải chịu những tác động kinh tế tiêu cực từ du lịch giảm sút, gián đoạn thương mại và sản xuất cũng như những hiệu ứng lan tỏa từ thị trường tài chính.

Đối với các nền kinh tế cận biên như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch có khả năng bị gián đoạn đáng kể do sự lây lan của virus trên toàn cầu mặc dù các quốc gia này dường như đang ở giai đoạn đầu của đường cong dịch bệnh.

Các quốc đảo Thái Bình Dương và các quốc gia nhỏ khác phải đối mặt với tác động tới tăng trưởng và cán cân thanh toán đáng kể từ việc đóng cửa du lịch và xuất khẩu. Tăng trưởng của các quốc gia này dự kiến ​​sẽ giảm còn khoảng 2,3 %. Các quốc gia này cũng nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do không gian tài khóa hạn chế, cũng như cơ sở hạ tầng y tế tương đối kém phát triển.

Các khuyến nghị chính sách

Đánh giá đây là một cuộc khủng hoảng không giống bất cứ cuộc khủng hoảng nào, vì vậy IMF cho rằng cần phải có một bộ chính sách đầy đủ để đối phó với cú sốc:

• Ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ và bảo vệ ngành y tế để ngăn chặn virus và đưa ra các biện pháp làm chậm lây nhiễm. Nếu không có đủ không gian tài khóa, các quốc gia sẽ cần phải xác định lại các ưu tiên từ các khoản chi khác.

 • Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế. Cần hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây là một cú sốc kinh tế thực sự không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cần bảo vệ con người, việc làm và các ngành công nghiệp trực tiếp, không chỉ thông qua các tổ chức tài chính.

• Đại dịch cũng ảnh hưởng đến chức năng thị trường tài chính. Sử dụng các quy định tiền tệ và vĩ mô thận trọng một cách linh hoạt để cung cấp thanh khoản đầy đủ, giảm bớt căng thẳng tài chính của các ngành công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 • Đối với các thị trường mới nổi có không gian tài khóa hạn chế, có thể cần xem xét để sử dụng bảng cân đối ngân hàng trung ương một cách linh hoạt để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc chia sẻ rủi ro với chính phủ.

 • Các quốc gia nên tìm kiếm và sử dụng các hợp đồng hoán đổi song phương, đa phương và hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đa phương. Vai trò của các biện pháp quản lý dòng vốn có thể rất quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định của dòng vốn bên ngoài như một điều kiện tiên quyết để sử dụng các chính sách trong nước tích cực hơn để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài.

• Hỗ trợ có mục tiêu kết hợp với kích thích nhu cầu trong nước trong phục hồi sẽ giúp giảm những “vết sẹo” có thể để lại, nhưng cần phải đến được tay người dân và các công ty nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
2020 có thể là năm châu Á tăng trưởng thấp nhất trong vòng 60 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO