Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng

6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh cán bộ ngân hàng

Minh Ngọc 16/06/2024 12:54

Trong thời gian gần đây, tình trạng mạo danh cán bộ ngân hàng quảng cáo các chương trình mở thẻ tín dụng online với nhiều ưu đãi hấp dẫn; từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng ngày một gia tăng. Trước bối cảnh đó, VietinBank liên tục đưa ra cảnh báo, khách hàng cần cảnh giác ko trước những thủ đoạn mạo danh cán bộ ngân hàng vô cùng tinh vi.

445413722_448358827838893_8730680089183351540_n.jpg

Gọi từ số điện thoại lạ

Theo VietinBank, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng công nghệ VOIP (âm thanh được truyền qua giao thức Internet) để giả lập đầu số điện thoại cố định, hoặc sử dụng SIM rác (các SIM đã được kích hoạt sẵn, chi phí thấp) thực hiện cuộc gọi/tin nhắn mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng để mời chào khách hàng phát hành/nâng hạn mức thẻ tín dụng online.

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo cũng sử dụng hình ảnh đại diện có gắn logo ngân hàng, thậm chí gửi cả hình ảnh thẻ cán bộ hoặc văn bản giả mạo ngân hàng để tạo lòng tin với khách hàng.

444470482_448358804505562_3490110729347176260_n-1-(1).jpg

Giới thiệu là nhân viên ngân hàng một cách chung chung

Đối tượng thường giới thiệu nhân viên VietinBank từ chi nhánh tại 108 Trần Hưng Đạo, Hà Nội hay nhân viên chăm sóc khách hàng Trụ sở chính.

445423650_448358807838895_3646359430343119114_n-1-.jpg

Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật

Đối tượng dẫn dụ khách hàng thực hiện đăng ký mở tài khoản/mở thẻ online tại ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại; yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật (màn hình đăng ký mở thẻ/màn hình giao dịch, tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực OTP…).

447599650_448358821172227_2946079367464500140_n-1-.jpg

VietinBank khẳng định sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như: mật khẩu, OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch,…và nộp tiền vào tài khoản..

Ngân hàng khuyến cáo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, kể cả khi họ tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Thường yêu cầu kết bạn qua Zalo/mạng xã hội để hướng dẫn mở thẻ/mở tài khoản

Đối tượng tìm kiếm kết bạn và làm quen qua tài khoản Facebook/Zalo... của khách hàng để hướng dẫn mở thẻ/tài khoản. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản, từ đó đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến/chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Sau khi đối tượng thực hiện thành công giao dịch lừa đảo, tài khoản của khách hàng bị trừ tiền, đối tượng chủ động xóa liên hệ hoặc chặn điện thoại/Facebook/Zalo/Viber… cắt đứt liên lạc với khách hàng.

445356496_448358767838899_7692126632302911821_n-1-.jpg

Gọi lại số điện thoại không liên lạc được

Khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu hoặc có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.

445369785_448358814505561_2097804301661100362_n.jpg

Tạo áp lực, hối thúc

Kẻ gian thường tạo áp lực, hối thúc khách hàng cung cấp thông tin hoặc thực hiện giao dịch ngay lập tức. Trong trường hợp này, VietinBank khuyến cáo, khách hàng nên bình tĩnh và từ chối cung cấp thông tin hoặc từ chối thực hiện giao dịch nếu cảm thấy nghi ngờ.

445450450_448358841172225_1525973195695975685_n.jpg

VietinBank khuyến cáo khách hàng, tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân và thông tin bảo mật nào (như: CCCD/CMND, tên đăng nhập, mật khẩu, số thẻ, số tài khoản, số dư tài khoản, mã xác thực OTP…) cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Đồng thời, để đảm bảo tài khoản an toàn và nâng cao bảo mật cho khách hàng trước các hình thức lừa đảo, VietinBank khuyến nghị khách hàng thực hiện 4 điều “NÊN” làm:

NÊN CẢNH GIÁC trước tất cả các cuộc gọi đến có đầu số điện thoại lạ bắt đầu bằng dấu (+), (00) như: +1900, +024, +028, +224, +231, +232, +247... Đặc biệt, là các cuộc gọi/tin nhắn giả mạo ngân hàng/cán bộ ngân hàng mời phát hành, nâng hạn mức thẻ tín dụng theo cách thức mạo danh ngân hàng nêu trên.

NÊN BẢO VỆ THÔNG TIN CÁ NHÂN: Hạn chế khai báo, đưa thông tin cá nhân khi tham gia các trang mạng xã hội để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin; không chia sẻ hay để công khai các thông tin như: Email, số điện thoại, số TK/số thẻ ngân hàng, ảnh chụp CCCD/CMND… trên không gian mạng; đọc kỹ quy định về bảo mật để bảo vệ quyền lợi của chính mình và luôn có thói quen kiểm tra thật kỹ trước khi khai báo; không truy cập, chia sẻ các website, đường link không xác định được độ an toàn…

NÊN NHANH CHÓNG KHÓA DỊCH VỤ NGÂN HÀNG điện tử và liên hệ ngay tới ngân hàng qua tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 hoặc đến ngay các điểm giao dịch ngân hàng (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ khi nghi ngờ lừa đảo hoặc phát hiện lừa đảo và trình báo cơ quan công an.

NÊN THƯỜNG XUYÊN CẬP NHẬT CÁC PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN CỦA TỘI PHẠM trên các phương tiện thông tin đại chúng và website/Mobile Banking/Fanpage… chính thức của ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh cán bộ ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO