9 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng thấp nhưng an sinh xã hội bảo đảm

Bùi Trang| 29/09/2021 15:57
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng đầu năm, theo đó, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng tuy không phải là mức cao nhưng an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát.

 

Trong quý III, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Do đó, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

Tuy nhiên, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Tính đến thời điểm 20/9/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,58%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%).

Sang quý 4, kinh tế-xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Mặc dù dịch bệnh nghiêm trọng nhưng an sinh xã hội được đảm bảo. Tính đến ngày 21/9, tổng kinh phí đã hỗ trợ trên cả nước là gần 13.800 tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng; trong đó 11.400 tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh đồng thời xuất cấp 136.349 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng trong chín tháng là 10.434 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4.014 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo là 1.624 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cứu đói cho các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2.349,1 tỷ đồng, hỗ trợ người dân do tình hình bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… là 2.446,1 tỷ đồng đồng. Hơn 29,3 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo Tổng cục Thống kê, trước mắt cần thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 để sống chung an toàn với dịch bệnh, sớm ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm.

Cùng với đó, phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
9 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng thấp nhưng an sinh xã hội bảo đảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO