Bản sắc phiên chợ vùng cao Lào Cai

TS. Trần Hữu Sơn| 31/01/2022 10:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ở vùng cao, phiên chợ đông nhất, vui nhất là những phiên chợ giáp Tết. Đồng bào đi chợ rất sớm, các cô gái Mông mặc những bộ trang phục đẹp, thậm chí còn tranh thủ vào những lùm cây, ven suối trang điểm. Phiên chợ cuối năm vừa là phiên chợ mua bán sản phẩm hàng hóa, vừa là phiên chợ thấm đậm nghĩa tình. Mọi người đến chợ để sắm sửa những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu ngày Tết, nhưng thanh niên đến chợ lại hẹn hò, gặp gỡ, giao lưu tình cảm.

Người Mông có phong tục mở lễ hội Gầu Tào đầu năm mới. Vì thế, gia chủ mở lễ hội đều phải trồng cây nêu trong dịp cuối năm như lời mời gọi, thông báo địa điểm mở hội. Người già, người trẻ chỉ nhìn cây tre trồng cao vút trên đỉnh đồi, ai cũng háo hức đầu năm về hội. Chợ vùng cao có bản sắc văn hóa riêng và luôn rực rỡ sắc màu đa dạng.

 

Đến với vùng cao Lào Cai cũng như một số tỉnh Tây Bắc, chợ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Hấp dẫn bởi bản sắc văn hóa của tộc người, ngày chợ như một ngày hội của đồng bào các dân tộc trong vùng. Chỉ nhìn qua trang phục của người dân về hội thì thấy rõ vùng đó, địa phương đó có bao nhiêu dân tộc chung sống. Thậm chí nhìn vào trang phục cũng biết sự giao lưu văn hóa, kinh tế đã tạo thành mạng lưới xuyên vùng, xuyên quốc gia.

Đến chợ Bắc Hà, khắp cả chợ đều rực rỡ sắc màu trang phục. Người Mông Lềnh là cư dân đông nhất của huyện Bắc Hà nên cả chợ đều nổi bật trang phục của người Mông nổi trội với gam màu nóng đỏ, vàng. Các thiếu nữ Tày Bắc Hà mặc áo dài đi chợ. Các cô gái Nùng Dín đến chợ với bộ trang phục màu chàm xẫm nhưng có vẻ “bóng loáng” bởi miết sáp ong. Một số cô gái Pa Dí nổi bật trên nền chợ là chiếc khăn như mái nhà. Đấy là những thiếu nữ từ Mường Khương vượt mấy chục km đường xa về dự chợ.

Bản sắc văn hóa chợ vùng cao Lào Cai còn được phản ánh đậm nét ở cấu trúc không gian chợ tạo thành các khu vực bán hàng riêng. Đó là khu bán đồ thủ công mang dấu ấn của từng tộc người. Nghề rèn đúc của người Mông với các sản phẩm dao, cuốc, lưỡi cày… nổi tiếng. Người Hmông có kỹ thuật tôi thép đặc biệt nên lưỡi cày nương rất sắc, cày trên núi dốc cắt đứt cả rễ cây. Có nhiều người ở vùng xuôi lên mua con dao Mông về dùng đến 20 – 30 năm vẫn sắc. Người Hà Nhì đem bán các đồ đan tinh xảo. Bộ mâm ăn bằng mây, ghế mây của nghệ nhân Lý Seo Chơ người Hà Nhì làm rất kỳ công sản xuất ra cái nào đã bán ra hết ngay từ đầu phiên chợ, nhưng sản phẩm đặc trưng nhất, mang dấu ấn tộc người nhiều nhất chính là thổ cẩm.

Thổ cẩm của người Mông đặc sắc, phong phú được sản xuất bằng bốn kỹ thuật in – thêu – dệt, in sáp ong, ghép vải. Thổ cẩm của người Dao nổi bật với các họa tiết, hoa văn thêu hình cây thông, hình người, hình vật thiêng… Người Tày bày bán các mặt trăng dệt bằng tơ tằm với hoa văn rực rỡ… Nhưng hấp dẫn nhất, thu hút nhiều du khách quốc tế nhất chính là khu vực bán gia súc. Nhiều chợ ở Bắc Hà, Si Ma Cai còn dành một khu đất rộng bán trâu, bò, ngựa, chó. Vào những thập kỷ 80 của thế kỷ 20 về trước, con ngựa đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - văn hóa của người dân vùng cao. Vì vậy, khu vực bán ngựa, chợ ngựa cũng là khu vực lớn nhất của chợ. Tên huyện Si Ma Cai cũng xuất phát từ tên chợ: "Si Ma Cai – Chợ ngựa mới". Ngày nay, xe máy đã chiếm vai trò chủ đạo trong phương tiện đi lại, con ngựa nhường chỗ cho con trâu lên ngôi hàng hóa giá trị kinh tế cao nhất chợ. Hầu hết các chợ chính ở tỉnh Lào Cai như chợ Bắc Hà, chợ Mường Khương, chợ Pha Long, chợ Si Ma Cai, chợ Cán Cấu, chợ Cốc Ly… đều có khu vực dành riêng cho "sàn giao dịch Trâu". Người dân mua trâu nhằm tăng sức kéo cho gia đình, nhưng cũng có người mua trâu về vỗ béo để buôn trâu. Người ta chỉ nhìn con trâu gầy khoảng 15 – 18 triệu đồng nhưng về chăm sóc 4 – 5 tháng có thể bán đến 30 – 40 triệu đồng. Hầu hết các lễ hội chọi trâu từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và các lễ hội trong vùng đều lên chợ Cán Cấu, chợ Bắc Hà tìm mua trâu chọi.

Chợ vùng cao còn nổi tiếng với giống lợn Mường Khương, “lợn cắp nách” của nhiều thôn bản. Vào dịp cuối năm, du khách thập phương, người dân vùng đồng bằng đều muốn lên chợ vùng cao mua một vài con “lợn cắp nách về “ăn Tết”. “Lợn cắp nách” được người dân vùng cao nuôi theo kiểu thả rông, chỉ nặng từ 10 đến 20 kg. “Lợn cắp nách” mõm nhọn, thân thon, tai và chân bé, mông tròn, nhưng lông cứng như lông lợn rừng. Người dân gùi lợn, thậm chí cắp vào nách cho tiện để xuống chợ bán, vì vậy dân địa phương thường gọi là "lợn cắp nách". Ở Bắc Hà còn nổi tiếng với giống chó to, lông xù, cộc đuôi nhưng dũng mãnh, tinh khôn và rất trung thành với chủ. Vì vậy, trong năm Tân Sửu vừa qua, du khách đổ xô lên Bắc Hà săn lùng loại chó quý. Con chó nhỏ cũng có giá bán vài triệu một con những con lớn phải trên chục triệu, thậm chí có những con bán giá cao không khác gì giá con trâu.

Ở Bắc Hà, Mường Khương, trời mới tang tảng sáng, các chủ quán chợ đã dậy giết dê, mổ ngựa nấu “thắng cố”. Mặt trời chưa kịp nhô ra khỏi ngọn núi, từng tốp nam nữ thanh niên ở các bản gần nườm nượp kéo về chợ. Các cô gái Mông vai đeo lù cở nặng trĩu hàng hóa, tay thoăn thoắt tước lanh tưởng như họ đang chăm chú làm việc, nhưng thật ra đôi lúc vẫn ngước nhìn các chàng trai phía trước, đôi tay vẫn lắng nghe tiếng hát của chàng trai phía sau. Mọi người về chợ, ai cũng mang hàng nhưng các chàng trai đi chợ chỉ mang theo cây sáo, đàn môi hoặc cùng lắm là xách theo con gà, chai mật ong bán lấy tiền mời bạn vào hàng thắng cố. Ai cũng nghĩ đến buổi gặp mặt, tìm được người bạn đời tương lai.

Họ đi chợ để “chơi chợ”, tìm bạn tình chứ không bận tâm tính toán bán hàng, mua hàng. Phiên chợ với thanh niên đó là ngày hội. Mọi lo toan bận rộn của đời thường, nỗi vất vả làm nương rẫy đều tạm quên đi, chỉ còn niềm vui được gặp bạn, nỗi nhớ mong hò hẹn người yêu. Những nơi bán khèn, kèn, sáo là nơi các chàng trai khoe sự khéo léo tài thổi sáo, múa khèn của mình. Những nơi bán thổ cẩm, đồ thêu là nơi các cô gái khoe tài nhuộm vải, thêu dệt hoa văn với người xuống chợ.

Với số tiền có được trong ngày chợ, thanh niên Mông Dao, Tày, Phù Lá... phục vụ ngay cho những buổi làm quen. Những bát thắng cố, một món canh ninh cả lòng, gan, thịt nghi ngút khói được bày ra, những bát rượu ngô trong veo tràn đầy được sắp ngay ngắn, trang trọng. Nào mời bạn, mời em hãy nâng bát rượu rạo rực khóe mắt, ấm áp lòng người. Rượu tiếp rượu, lời tiếp lời. Chỉ đến khi mặt trời ngã về hướng tây, chàng trai chỉnh trang nâng bát rượu run run, má cô gái đơn hồng, lúc đó bữa tiệc mới tạm dừng. Nhìn những người vợ nhẫn nại giương ô che cho chồng ngủ ngay dưới gốc cây ven đường, hoặc vợ dắt ngựa, chồng vẫn ngủ trên mình ngựa, chàng trai bất giác lấy đàn môi ra thổi:

“Ước gì đôi ta duyên nối

Ta làm nhà ngói cao vút đỉnh núi

Ta làm nhà ván cao ngang đỉnh đồi

Đầu gian ta phết giấy vàng

Đấy là nơi bạn bè bên chàng múa khèn, thổi sáo

Cuối gian ta treo giấy đỏ

Đấy là chỗ bạn bè bên em dệt vải, thêu hoa”.

Đến giờ chia tay biết bao lưu luyến, có chàng trai đưa bạn gái vượt qua một cánh rừng, lội qua hai con suối cũng chưa muốn quay về. Người đi đến núi xa, quay nhìn lại vẫn thấy người đứng trông theo. Tiếng sáo của chàng trai Mông như làn gió cứ vấn vương, bay theo, bay theo các cô gái, hẹn hò gặp lại phiên chợ sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản sắc phiên chợ vùng cao Lào Cai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO