Tỉnh Ninh Bình sẽ hợp nhất TP. Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là "Đô thị Cố đô - Di sản", mở rộng địa giới hành chính TP. Tam Điệp, xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang giá trị toàn cầu, đạt tiêu chí đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030,... là những nội dung đáng chú ý trong chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030.
Tỉnh ủy Ninh Bình vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030.
Quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, ngày 23/8/2023, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 138 về thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030; ban hành Quyết định số 1013 về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo không gian phát triển mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những giá trị tốt đẹp của con người và vùng đất Cố đô, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong thời kỳ mới.
Cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ các quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC, đặc thù vùng miền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Lộ trình việc sắp xếp được chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 2023-2025, giai đoạn 2025-2030) và có 10 nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện theo lộ trình.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiến hành hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là "Đô thị Cố đô - Di sản", dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An; đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu, là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.
Cùng với việc hợp nhất, tỉnh Ninh Bình cũng điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP. Tam Điệp gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, phát triển TP. Tam Điệp theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, thân thiện với môi trường gắn với thế bố trí quốc phòng - an ninh, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An và tạo động lực phát triển vùng Đông Nam huyện Nho Quan.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030, gồm 50 thành viên.
Nhấn mạnh việc sắp xếp ĐVHC dựa trên hai yếu tố: "tĩnh" (lãnh thổ và tổ chức bộ máy) và "động" (con người), ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030 lưu ý: Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đối với TP. Ninh Bình, huyện Hoa Lư gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh phải được đặt trong định hướng là "Đô thị Cố đô - Di sản"; đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thực sự là trung tâm du lịch của vùng, của quốc gia mang giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến việc đến năm 2030 Ninh Bình có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương hay không.
Đối với việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Tam Điệp cần gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, phát triển TP. Tam Điệp theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ, xanh, hiện đại, gắn với thế trận quốc phòng an ninh cửa ngõ đồng bằng sông Hồng, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An và tạo động lực phát triển vùng Đông Nam huyện Nho Quan. Phát triển đô thị Tam Điệp phải thực sự là bản sắc của Ninh Bình. Thực hiện thành công việc mở rộng địa giới hành chính Tam Điệp góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Ninh Bình.
"Việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp đóng vai trò quyết định nhất; chính quyền, người đứng đầu chính quyền các cấp đóng vai trò quyết định trực tiếp việc hoàn thành tốt hay không hoàn thành tốt việc sắp xếp ĐVHC", ông Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.