(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhân dịp Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã có những chia sẻ tâm huyết về mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với cơ quan quản lý và các viện nghiên cứu.
TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Nguồn: doanhnhan.vn |
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chủ động thực hiện nghiên cứu, tham mưu cho các cấp về các nội dung liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tạo dựng không gian mới cho phục hồi và phát triển kinh tế thông qua các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số,...
Không ít các nội dung đã thực hiện bài bản và có chuyển biến đáng kể, như: cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… Vì vậy, tìm kiếm những sáng kiến, cách làm mới là không dễ. Chính ở đây, Viện lại may mắn có được sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Trong không ít trường hợp, chẳng hạn như về cải thiện môi trường kinh doanh gắn với cắt giảm những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, Viện đã tiếp nhận được các ý kiến bình luận, chia sẻ của một số phóng viên. Từ đó, Viện đã có thêm những “chất liệu”, “ý tưởng” để làm cụ thể, vững chắc hơn những kiến nghị, giải pháp liên quan.
Cũng cần nói thêm, trong bối cảnh dịch COVID-19, việc đi lại, khảo sát, tham vấn phục vụ nghiên cứu, xây dựng đề án, chính sách của Viện cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Do vậy, bên cạnh việc chủ động thích ứng thông qua các hình thức làm việc trực tuyến, Viện cũng đánh giá vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc vượt mọi khó khăn, đi vào các điểm nóng chính sách được doanh nghiệp và người dân quan tâm, từ đó cung cấp những thông tin, ý kiến góp ý “quý hơn vàng” để Viện thực hiện tốt hơn chức năng nghiên cứu, tham mưu chính sách.
Các cơ quan truyền thông cũng “ưu ái” Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và tích cực mời các cán bộ của Viện tham dự các chương trình phỏng vấn, talk show về nhiều vấn đề chính sách mà xã hội đang quan tâm. Nhờ đó, Viện cũng có dịp được chia sẻ quan điểm của Viện, đồng thời được trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà báo, cộng đồng doanh nghiệp.
"Một ví dụ quan trọng mà tôi luôn chia sẻ trong thời gian gần đây là: trong quá trình xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, chúng tôi cũng được tham gia chương trình truyền hình, có đối thoại với nhà đầu tư lớn, có tâm huyết, trí tuệ và tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn", TS.Trần Thị Hồng Minh dẫn ví dụ.
Nhờ đó, Viện đã có thêm không ít bằng chứng, động lực từ thực tiễn để hoàn thiện Đề án để báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg vào ngày 7/6/2022 mới đây.
"Tuy nhiên, tôi cũng nhìn nhận vai trò phản biện chính sách của các cơ quan báo chí, truyền thông đang đứng trước một số thách thức. Một mặt, các vấn đề chính sách đang ngày càng trở nên phức tạp, đa chiều hơn, thậm chí có tính thời sự ở những thời điểm khác nhau. Ví như, kiến nghị về hạ mặt bằng lãi suất cho vay để giúp giảm bớt khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp hầu như rất khó khả thi trong khoảng 1, 2 năm trước đại dịch COVID-19 nhưng lại có ý nghĩa và được đồng thuận nhiều hơn trong các năm 2020-2021, song đến thời điểm này của năm 2022 thì lại trở nên khó thực hiện rất nhiều. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí và truyền thông phải không ngừng cập nhật, tiếp thu các đánh giá thực tiễn về dư địa chính sách, nhu cầu của doanh nghiệp để có những kiến nghị đủ “khả thi”, thay vì bám vào những “lối mòn” từ thực trạng những năm trước đó", TS.Trần Thị Hồng Minh gợi ý.
Mặt khác, các cơ quan truyền thông, báo chí cũng cần tiếp tục trau dồi, nâng cao năng lực để không chỉ đưa tin, mà còn có thể góp phần tham gia phản biện hiệu quả hơn với những vấn đề chính sách mới, ví như: nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế…
Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương rất kỳ vọng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan báo chí, truyền thông. Viện luôn tâm niệm hoạt động tham mưu xây dựng chính sách không phải là những nhiệm vụ riêng lẻ để chỉ “làm cho xong”, mà là cả một tiến trình dài, liên tục. Vì vậy, với mỗi Đề án hoàn thành, Viện đều muốn chia sẻ thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa những nhiệm vụ, giải pháp vào cuộc sống.
Mới đây nhất, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã giao Viện “tổ chức truyền thông để quán triệt nâng cao nhận thức về vấn đề mới, khó này”. Hay với những định hướng tham mưu chính sách mới về Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất lao động, hay hoàn thiện thể chế liên kết vùng…. Viện luôn cam kết có những phân tích, kiến nghị khoa học, sâu sắc nhưng chúng tôi tin tưởng rằng những phân tích, kiến nghị ấy sẽ có tính thời sự hơn, sẽ “lan tỏa” rộng hơn nếu có thêm sự đồng hành, phản biện của các cơ quan báo chí và truyền thông.
"Nhân dịp ngày Nhà báo Việt Nam, tôi muốn dành lời chúc tốt đẹp nhất đến các anh/chị tổng biên tập, quản lý, đội ngũ phóng viên, quay phim. Xin chúc các anh chị luôn mạnh khỏe, luôn nhiệt huyết, luôn đồng hành cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng và truyền thông chính sách thời gian tới" TS.Trần Thị Hồng Minh gửi lời chúc.