Tin hội viên

Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Huyền My 16/11/2023 07:00

Những năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng. Trong đó, giám sát và kiểm tra được coi là hai nghiệp vụ mũi nhọn đóng vai trò tích cực vào quá trình này.

Hai nghiệp vụ mũi nhọn để bảo vệ người gửi tiền

Theo các chuyên gia, trong các nghiệp vụ BHTG, giám sát và kiểm tra được coi là hai “mũi nhọn” góp phần hỗ trợ cho hoạt động an toàn và lành mạnh của các TCTD, trong đó có hệ thống QTDND.

Cụ thể, nghiệp vụ giám sát được tiến hành thường xuyên trên cơ sở các nguồn thông tin, dữ liệu về hoạt động của tổ chức tham gia BHTG.

Giai đoạn trước năm 2012, khi Luật BHTG chưa được ban hành, BHTGVN triển khai hoạt động giám sát từ xa với các nội dung: kiểm soát hồ sơ pháp lý tham gia BHTG, giám sát thực trạng hoạt động của tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở thông tin, báo cáo được cung cấp, các nguồn thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; giám sát việc chấp hành các quy định về BHTG cũng như việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; cảnh báo rủi ro và những sai phạm, yếu kém cần khắc phục đối với tổ chức tham gia BHTG.

Sau khi Luật BHTG ra đời và có hiệu lực năm 2013, hoạt động giám sát của BHTG đã thay đổi căn bản về đối tượng giám sát, nguồn thông tin báo cáo đầu vào và thẩm quyền xử lý sau giám sát.

Theo đó, BHTGVN không giám sát đối với TCTD phi ngân hàng, bổ sung đối tượng giám sát là tổ chức tài chính vi mô. Đồng thời, BHTGVN được tiếp cận thông tin giám sát từ hai nguồn: Tổ chức tham gia BHTG và dữ liệu thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

BHTGVN cũng thực hiện kiến nghị NHNN đối với tổ chức tham gia BHTG vi phạm pháp luật về an toàn trong hoạt động ngân hàng, thay vì cảnh báo trực tiếp tới tổ chức tham gia BHTG như các quy định trước đây.

Trong khi đó, kiểm tra tại chỗ cũng là một nghiệp vụ quan trọng song hành cùng giám sát từ xa.

Trước khi Luật BHTG được ban hành, BHTGVN kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG đối với các đơn vị thuộc nhóm ngân hàng và kiểm tra việc chấp hành các quy định về BHTG, quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với nhóm QTDND.

Từ năm 2007, BHTG bắt đầu thực hiện kiểm tra trên cơ sở rủi ro - nội dung quan trọng giúp BHTGVN có thể đánh giá mức độ rủi ro của các QTDND, qua đó phát hiện các quỹ nguy cơ cao để cảnh báo, kiến nghị các biện pháp khắc phục sai phạm, chấn chỉnh trong công tác quản trị, điều hành.

Theo quy định tại Luật BHTG, hiện BHTGVN thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, bao gồm: Thực hiện quy định về đề nghị cấp, cấp lại; niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG; Tính và nộp phí BHTG; Việc nhận tiền gửi được bảo hiểm và cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, các thông tin và báo cáo khác theo yêu cầu của BHTGVN. Trong đó, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm là nội dung được BHTGVN rất chú trọng.

Đặc biệt, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nội dung: “BHTGVN nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG”.

Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho BHTGVN trong phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra của NHNN đối với các QTDND. Đây là cơ sở để BHTGVN ngày càng tăng cường quy mô, cải tiến nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra; qua đó góp phần giữ vững an toàn hệ thống QTDND, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ tại quỹ.

gui-tien-tiet-kiem-ngan-hang-1030x673.png

Bệ đỡ vững chắc cho QTDND

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các TCTD, đặc biệt là QTDND yếu kém, với mục tiêu phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời các vi phạm quy định pháp luật về BHTG, góp phần hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, BHTGVN tiếp tục triển khai có hiệu quả hai nghiệp vụ mũi nhọn này.

Theo thông tin từ BHTGVN, kết thúc quý II/2023, BHTGVN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG ; tăng cường cải tiến báo cáo giám sát, nhằm phát hiện, cảnh báo sớm các tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ rủi ro, gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng để kịp thời kiến nghị NHNN xử lý các trường hợp vi phạm.

Đối với hoạt động kiểm tra, bên cạnh thực hiện kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN còn đẩy mạnh kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

BHTGVN cũng thực hiện báo cáo NHNN về tổng kết công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN, công tác phối hợp giữa BHTGVN, NHHTX và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong xử lý QTDND yếu kém.

Ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành BHTGVN cho biết, qua 4 năm triển khai công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN, về cơ bản các QTDND đã chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lí và sử dụng tuân chỉ về các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay. Riêng với các trường hợp vi phạm các quy định về huy động tiền gửi tiết kiệm, những bất hợp lý về cơ chế, chính sách đối với QTDND, BHTGVN sẽ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo an toàn và phát triển lành mạnh hệ thống QTDND.

Cũng theo ông Vũ Văn Long, việc thực hiện quy chế phối hợp cung cấp và trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh và chi nhánh BHTGVN, chi nhánh NHHTX đã được tích cực triển khai. Đến thời điểm hiện tại, BHTGVN đã hoàn thành kí kết với 56/57 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động, đang tích cực sớm hoàn thành quy chế phối hợp với đơn vị còn lại.

Để BHTGVN ngày càng phát huy vai trò đồng hành tin cậy của người gửi tiền, là bệ đỡ an toàn cho hệ thống QTDND, ông Vũ Văn Long cho biết, trong thời gian tới, BHTGVN sẽ tiếp tục đề xuất hoàn thiện chính sách BHTG bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể, tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BHTGVN đặt ra một số mục tiêu quan trọng, trong đó có nâng cao chất lượng thông tin báo cáo; hoạt động giám sát, kiểm tra để phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG.

Để thực hiện mục tiêu trên, lãnh đạo BHTGVN cho biết, đối với giai đoạn 2022 - 2025, BHTGVN sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, trong đó có nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG trong việc hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát đối với QTDND; thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại 100% tổ chức tham gia BHTG yếu kém theo kết quả giám sát của tổ chức BHTG.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, BHTGVN sẽ tiếp tục hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG để phù hợp với sự phát triển của thị trường và yêu cầu của NHNN trong từng thời kỳ; ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến nhằm đảm bảo các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Đối với hoạt động thông tin báo cáo - nguồn đầu vào đầy đủ, tin cậy để triển khai các nghiệp vụ có liên quan, trong đó có kiểm tra, giám sát; BHTGVN cho biết sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá sự vận hành và hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thông tin đầy đủ, đáng tin cậy. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin giữa BHTGVN với NHNN và các cơ quan có liên quan; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đồng bộ đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ, đáng tin cậy (bao gồm nguồn từ NHNN và cơ sở dữ liệu về tiền gửi được bảo hiểm).

Trên cơ sở hệ thống thông tin báo cáo, BHTGVN cho biết sẽ thường xuyên đánh giá thực trạng của tổ chức tham gia BHTG để dự báo trước khả năng chi trả bảo hiểm và có kế hoạch xây dựng các nguồn thu của tổ chức BHTG nếu tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Với phương châm luôn bảo đảm tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền trong mọi tình huống, BHTGVN cho biết luôn theo sát diễn biến hoạt động của các TCTD thông qua việc chủ động triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG - trong đó, giám sát và kiểm tra sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn của các tổ chức tham gia BHTG. Kỳ vọng trong thời gian tới, với việc Quốc hội, Chính phủ, NHNN sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHTG với các nội dung có liên quan đến hai nghiệp vụ mũi nhọn này, BHTGVN ngày càng phát huy vị thế, vai trò, sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền, xứng đáng là điểm tựa vững chắc của hệ thống QTDND.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO