Hoạt động ngân hàng

Đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân

Ngô Hải 09/04/2024 15:25

Ngày 9/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên đề về Quỹ Tín dụng nhân dân năm 2024. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo và cán bộ liên quan các đơn vị gồm: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán...; Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An); Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX); Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN); Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND); các QTDND tại 57 tỉnh, thành phố…

kdk_4917-1.jpg
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đối với kinh tế tập thể nói chung và QTDND nói riêng, hoạt động của hệ thống QTDND tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra QTDND đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các QTDND trên địa bàn. Công tác giám sát QTDND được tăng cường. Công tác xử lý các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (NHNN CN) với các Sở, ban, ngành, BHTGVN và NHHTX được tăng cường. Số lượng QTDND được BHTGVN và NHHTX thực hiện kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN tăng lên qua từng năm và đạt hiệu quả.

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, lẫn ngành Ngân hàng, hoạt động của hệ thống QTDND tiếp tục trên đà củng cố, ổn định, từng bước phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Không một quỹ nào rơi vào tình trạng khó khăn phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như những năm trước đó; nhiều quỹ được chấn chỉnh, củng cố từng bước. Các QTDND thực hiện rất tốt các quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định của ngành Ngân hàng.

Hoạt động của các QTDND tiếp tục được củng cố, góp phần ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn

Báo cáo Kết quả hoạt động QTDND và tình hình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến QTDND năm 2023, ông Nguyễn Việt Dũng, Cục trưởng Cục 3, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, đến ngày 31/12/2023, toàn hệ thống có 1.178 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố, với: Tổng tài sản đạt khoảng 184 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với cuối năm 2022; tiền gửi khách hàng khoảng 163.067 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay là khoảng 134 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; vốn chủ sở hữu đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu: 0,69% (Năm 2021, 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%).

Là tỉnh có số lượng QTDND đứng thứ ba toàn quốc về hệ thống QTDND, với 71 Quỹ, 40 PGD hoạt động tại 135/235 xã/phường, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương cho biết, tính đến ngày 29/2/2024, tổng nguồn vốn hoạt động toàn hệ thống đạt 16.325 tỷ đồng (tăng 355 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 2,2% so với ngày 31/12/2023); nguồn vốn huy động 14.918 tỷ đồng (tăng 471,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 3,2% so với ngày 31/12/2023); dư nợ 10.747 tỷ đồng (giảm 322 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 2,9% so với ngày 31/12/2023). Bình quân 1 QTDND có nguồn vốn hoạt động 230 tỷ đồng, vốn huy động 210 tỷ đồng, dư nợ 151 tỷ đồng.

“Hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn từng bước lớn mạnh, khẳng định được vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ; cùng với hệ thống ngân hàng, có những đóng góp nhất định, quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn”, bà Nguyễn Thị Hải Vân chia sẻ.

Hay tại Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An chia sẻ, 59 QTDND trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn hoạt động tương đối ổn định, bền vững và đạt hiệu quả, tiếp tục khẳng định vai trò vị trí của loại hình tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân” là kênh dẫn vốn hiệu quả, kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 10.780 tỷ đồng, bình quân đạt 182,7 tỷ đồng/Quỹ, hầu hết các Quỹ đều chủ động vốn cho đầu tư tín dụng, nhiều QTDND trên địa bàn đã huy động vốn tốt đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên và gửi ở Ngân hàng Hợp tác xã với số dư lớn, đảm bảo cho các Quỹ có tính chủ động đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Tổng dư nợ cho vay đạt 8.133 tỷ đồng, bình quân dư nợ cho vay đạt 137,8 tỷ đồng/Quỹ. Huy động tiền gửi đạt 9.665 tỷ đồng, bình quân: 163,8 tỷ đồng/Quỹ; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,88 %. 100% QTDND trên địa bàn có cân đối thu chi dương.

Bên cạnh việc góp phần hỗ trợ người dân, địa phương phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Thu Thu cũng cho biết, hoạt động của mô hình QTDND trên địa bàn còn góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, tính đến ngày 31/12/2023 tổng số tiền các Quỹ đã nộp Ngân sách là 17,461 tỷ đồng. Ngoài ra, các Quỹ đã tích cực chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội trên địa bàn với tổng số tiền đóng góp trong năm 2023 đạt 2,111 tỷ đồng.

Qua 5 năm thực hiện kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN, ông Vũ Văn Long, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho biết, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra 100% kế hoạch NHNN giao, đảm bảo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu. Qua kiểm tra, về cơ bản các QTDND đã châp hành các quy định về nhận tiền gửi, về các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

Cùng thực hiện công tác kiểm tra QTDND theo yêu cầu của NHNN, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã chia sẻ, qua 5 năm triển khai công tác kiểm tra theo QTDND theo yêu cầu của NHNN cho thấy về cơ bản các QTDND chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lý sử dụng ấn chỉ quan trọng, tuân thủ về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

kdk_4906-1.jpg
Quang cảnh hội nghị

Tiếp tục nâng cao năng lực, củng cố và phát triển

Dù hoạt động của hệ thống QTDND tiếp tục trên đà củng cố, ổn định, tuy nhiên, các phát biểu tại hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống QTDND, như: chưa chủ động trong việc rà soát, cập nhật văn bản, chưa kịp thời sửa đổi bổ sung quy định nội bộ đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; một số QTDND hạn chế trong quản trị nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; năng lực quản trị điều hành của thành viên Hội đồng quản trị, ban điều hành còn hạn chế, nhất là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, điều hành hoạt động, khả năng quản trị rủi ro, dự báo, kiểm soát rủi ro, ứng phó với biến động của thị trường còn chậm…

Bên cạnh đó, ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại một số nơi chưa ý thức được vai trò, vị trí, trách nhiệm, tầm quan trọng của mình trong hoạt động của QTDND, thiếu trách nhiệm, bỏ qua, không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, hoặc phát hiện nhưng không kiến nghị các biện pháp xử lý hoặc chịu sự chỉ đạo của HĐQT, Ban điều hành tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ của QTDND… Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn hoạt động không chỉ của từng QTDND mà còn là mối rủi ro đối với cả hệ thống các QTDND.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, củng cố các QTDND, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hoạt động QTDND, bà Nguyễn Thị Thu Thu đề nghị, cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng hoạt động QTDND vì tiềm lực tài chính, khả năng quản trị điều hành cũng như năng lực trình độ của cán bộ QTDND không thể tương xứng được so với các ngân hàng thương mại. Đồng thời, đề nghị NHNN đề xuất Chính phủ sớm tăng vốn điều lệ cho NHHTX để ngân hàng có nguồn lực kịp thời hỗ trợ hệ thống QTDND trong công tác chuyển đổi số.

Bà Lê Thị Mỹ Hiền, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Long An đề nghị, tăng cường trách nhiệm, trẻ hóa, nâng cao trình độ quản lý của HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Bởi lẽ, nhân sự chủ chốt tại QTDND là vấn đề then chốt cho hoạt động của Quỹ. Tiếp tục yêu cầu các QTDND nâng cao chất lượng tài sản, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, kiếm soát tốt chi phí quản lý để giúp cân bằng thu chi trên nguyên tắc hoạt động của QTDND phải bù đắp chi phí và có tích lũy để phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND, nhằm đảm bảo hoạt động theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình TCTD là hợp tác xã, nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững.

Để củng cố hệ thống QTDND trong môi trường cạnh tranh và chuyển đổi số hiện nay, ông Vũ Văn Long đề xuất, NHHTX tiếp tục triển khai Chiến lược chuyển đổi số và công nghệ thông tin đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 lấy QTDND làm trọng tâm để từ đó thiết kế - cung ứng sản phẩm, dịch vụ và các mặt hoạt động cảu QTDND dựa trên nền tảng số. Tiếp tục tập trung dành mọi nguồn lực để xây dựng tổng thể các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho QTDND trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng số. Đồng thời, hiện đại hoá hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo an ninh, an toàn và khả năng dự phòng của toàn bộ hệ thống.

Để chuyển đổi số thành công, ông Vũ Văn Long nhấn mạnh tầm nhìn, vai trò của người lãnh đạo QTDND cũng như nâng cao chất lượng nhân sự tại QTDND rất quan trọng. Do vậy, các QTDND cần chuẩn bị nguồn lực tham gia các khoá đào tạo của NHHTX và Hiệp hội QTDND để thay đổi nhận thức và nần cao năng lực của bộ máy nhân sự trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, các QTDND cũng cần đề xuất các nhu cầu trong quá trình chuyển đổi số, để NHHTX có thể hỗ trợ một cách tốt nhất về công nghệ, nguồn lực, sản phẩm….

“Trong quá trình thực hiện vai trò “Ngân hàng của các QTDND” về chuyển đổi số với hệ thống QTDND, NHHTX rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, NHNN, Hiệp hội QTDND để đảm bảo quá trình chuyển đối số giúp QTDND củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển an toàn, bền vững”, ông Vũ Văn Long nhấn mạnh.

Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, qua phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành.

Về nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục khẩn trương hoàn thành xử lý các QTDND yếu kém ngay trong năm nay; khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn theo Luật Các TCTD (sửa đổi), tổ chức tập huấn góp phần giúp các địa phương, các QTDND nắm được để thực hiện nghiêm túc.

Định kỳ tối thiểu 1 quý hoặc 6 tháng lần/năm phối hợp với chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã tổ chức hội nghị chuyên đề về QTDND trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh các QTDND tiềm ẩn rủi ro, sai phạm.

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. NHNN tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra giám sát theo chương trình hàng năm. Mục tiêu của các đợt thanh tra, kiểm tra là nhằm phát hiện ra các rủi ro để các QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, tuy nhiên, nếu phát hiện sai cần xử lý nghiêm.

Đối với hoạt động kiểm tra của NHHTX và BHTGVN, Phó Thống đốc cũng khẳng định, đây là chủ trương, nhiệm vụ được giao, do đó, tất cả các bên cần thực hiện. Thời gian tới, hoạt động kiểm sẽ theo hướng ngày càng mở rộng, số lượng sẽ nhiều hơn. Các QTDND cần có trách nhiệm phối hợp thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm tra.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với BHTG, NHHTX theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Công văn số 4228/NHNN-TTGSNH ngày 15/6/2021 để hỗ trợ kịp thời, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN.

Phó Thống đốc yêu cầu NHHTX nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa, đầu tư đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển NHHTX hiện đại, tăng cường hơn nữa vai trò liên kết hệ thống, điều hòa vốn, trung tâm thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kiểm tra, giám sát an toàn của hệ thống QTDND, tham gia hỗ trợ, xử lý QTDND yếu kém, được kiểm soát đặc biệt.

Các QTDND cần phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc triển khai Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động của QTDND. Phó Thống đốc yêu cầu lãnh đạo NHNN CN, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giám sát QTDND cần tham gia trực tiếp để đảm bảo Hệ thống được xây dựng, triển khai dễ sử dụng, tự động hóa, nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu công tác giám sát QTDND của NHNN CN.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, với tinh thần khách quan, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để khắc phục, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tin rằng, hệ thống QTDND sẽ có những thành công mới trong thời gian tới, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO