Hoạt động ngân hàng

Bến Tre: Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ

ThS. Trần Trọng Triết 13/08/2024 13:30

Nhằm khơi thông dòng vốn trên địa bàn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã không ngừng thực hiện giải pháp đồng bộ và quyết liệt đầu tư vốn tín dụng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, người dân tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp.

von-san-sang-cho-vay-doanh-nghiep..jpg
Bến Tre: Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm 70%. Ảnh: Internet

Chia sẻ về kết quả sau 3 năm triển khai phối hợp giữa ngành Ngân hàng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến tre (từ tháng 5/2021 - 5/2024), ông Lê Công Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bến Tre cho biết, sau 3 năm triển khai phối hợp, đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 44.576 tỷ đồng, tăng 43,9% so tháng 5/2021, chiếm 70% tổng dư nợ, trong đó một số ngành, lĩnh vực trọng điểm có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao, gồm: cho vay chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tăng 891%; ngành dừa tăng 104%; ngành tôm tăng 66%; cho vay góp phần xây dựng nông thôn mới tăng 48%.

Đáng chú ý, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tham gia trực tiếp ngay từ đầu trong xây dựng chuỗi giá trị thông qua chủ động kết nối với doanh nghiệp dẫn dắt, hợp tác xã, hộ dân cung ứng vốn tín dụng theo mô hình liên kết, với dư nợ cho vay đạt 1.471 tỷ đồng.

Được biết, để tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả cho vay lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp nông thôn trên địa bàn, trong thời gian tới ngành Ngân hàng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cùng tham mưu tỉnh công nhận vùng nuôi tôm công nghệ cao để thuận lợi trong tiếp cận các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hợp tác xã, bảm đảm hoạt động hiệu quả, đúng bản chất, mô hình; hỗ trợ hệ thống đê bao bảo đảm đủ nước tưới tiêu khi xâm nhập mặn sâu diễn ra; triển khai các chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đầu tư tại tỉnh tạo tiền đề thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết thực chất, hoạt động hiệu quả;…

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền các chủ trương, dự án, định hướng phát triển ngành nông nghiệp; triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia xây dựng các chuỗi giá trị, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, cho vay góp phần xây dựng nông thôn mới; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát triển khai các chính sách của mỗi ngành trên địa bàn;….

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chia sẻ, trong quá trình cho vay vốn thực hiện nông nghiệp công nghệ cao còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua còn nhiều bất cập; thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập; khó khăn về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tính tuân thủ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị và thị trường bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Về nhiệm vụ và giải pháp của ngành Ngân hàng thời gian tới, ông Lê Công Thành cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong triển khai kế hoạch kinh doanh trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng phát triển của ngành, của tỉnh, tập trung đầu tư tín dụng có chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng, hướng dòng chảy tín dụng vào các dự án phù hợp với xu thế mới, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với phát triển thực chất, hiệu quả các chuỗi giá trị; tích cực triển khai các chủ trương, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực có tính chất mùa vụ; thường xuyên rà soát, cải tiến thủ quy trình, thủ tục giao dịch, tiếp tục giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dòng tiền, khai thác và ứng dụng hiệu quả dữ liệu dân cư để nâng cao khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO